Ưu tiên chống dịch trong mạng lưới phân phối

Trong đại dịch Covid-19, lựa chọn cách ứng xử như thế nào đối với các thành tố của mạng lưới phân phối đều không dễ dàng đối với nhà quản lý.

 

Khi Chỉ thị 17 của UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành đã có không ít tranh luận trên mạng xã hội về việc cấm hay không cấm các nhân viên vận chuyển hàng hóa (thường được gọi là shipper)? Và sau vài lần họp, lắng nghe, chỉnh sửa, Hà Nội mới đưa ra được cách ứng xử phù hợp: cho phép nhân viên giao hàng của một số công ty hoạt động, với điều kiện công ty phải đảm bảo an toàn chống dịch và nhân viên giao hàng phải đăng ký bằng tin nhắn với Sở Giao thông vận tải Hà Nội.

Shipper là một phần không thể thiếu của bán lẻ mùa dịch

Dù Thành phố Hà Nội cấm shipper tự phát, yêu cầu ngừng tất cả các dịch vụ không thiết yếu, nhưng trên các nhóm Facebook như "Hà Nội ship đồ ăn vặt 24h" và những hội nhóm tương tự hàng ngày vẫn có người đăng đơn bán, tìm ship. Và vẫn có những shipper lao ra đường bất chấp hậu quả. Bởi vậy có trường hợp như nickname Minh Tú sau khi nhận đồ ăn vặt do shipper F0 giao đã trở thành F1.

Cơ quan chức năng ở hai đô thị lớn nhất cả nước còn gặp khó khăn trong việc ứng xử với các chợ truyền thống, chợ đầu mối. Yêu cầu dừng hoạt động như cách làm của TPHCM thì dẫn đến khan hiếm giả, giá lương thực, thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là giá rau xanh bị đẩy lên cao. Còn không bắt buộc dừng như ở Hà Nội thì thỉnh thoảng lại có thông báo tìm người đến chợ Đồng Xa, chợ đầu mối Đến Lừ...

Nhắc lại những câu chuyện này để thấy, trong đại dịch Covid-19, lựa chọn cách ứng xử như thế nào đối với các thành tố của mạng lưới phân phối, từ nhân viên bán hàng, kho bãi, đến vận chuyển, rồi người bán hàng rong, tạp hóa, người bán hàng online và shipper, đều là việc không dễ dàng đối với nhà quản lý. Chặt quá thì dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, gây nên khan hiếm hàng hóa. Lỏng quá thì hậu quả dịch bệnh sẽ vô cùng khó lường. Ngay cả đã đưa ra phương án quản lý khá chặt chẽ, như chỉ cho phép nhân viên giao hàng của công ty hoạt động và công ty chịu trách nhiệm phòng chống dịch, thì việc Công ty Thanh Nga ở Minh Khai, Hà Nội có 21 ca nhiễm, trong đó có 11 ca là nhân viên vận chuyển, cũng khiến cả Hà Nội mất ngủ, bởi Thanh Nga là công ty cung cấp thực phẩm cho nhiều siêu thị, khách sạn, nhà hàng và cửa hàng tiện ích ở Hà Nội. Những mối lo ngại liên quan đến cái tên Thanh Nga vẫn đang tiếp diễn.

Các siêu thị sẽ lao đao nếu người giao hàng là F0

Khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, điều quan trọng là duy trì được hoạt động của mạng lưới phân phối, để lưu thông thông suốt và đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân yên tâm thực hiện giãn cách, đồng thời duy trì được thu nhập và việc làm của một bộ phận dân cư, giảm gánh nặng xã hội. Để thực hiện được điều đó, hướng đến mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải pháp hiệu quả nhất là đẩy nhanh tiêm vaccine phòng Covid-19, trong đó đặc biệt ưu tiên những người tham gia chuỗi cung ứng, bao gồm nhân viên bán hàng, kho bãi, giao nhận, vận chuyển ở các trung tâm thương mại, siêu thị; người bán lẻ, bảo vệ tại các chợ truyền thống, người bán hàng của các cửa hàng tạp hóa; nhân viên giao hàng tại các doanh nghiệp, các app và shipper tự phát. Ở những địa phương chưa phải giãn cách còn cần chú ý thêm nhóm người bán hàng rong, kinh doanh vỉa hè, lao động làm thuê thời vụ... bởi họ cũng là những người tiếp xúc nhiều, di chuyển nhiều, dễ lây lan.

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 còn gian nan và tất cả đều có thể thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm cao. Bởi vậy, mỗi người cần tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu phòng chống dịch, hạn chế ra ngoài khi không thực sự cần thiết, kìm nén những nhu cầu không thiết yếu, chấp nhận giảm một phần thu nhập khi không thể bán hàng online, đi ship hàng... tự giác và thường xuyên nhắc nhở nhau chấp hành qui định chung. Có như vậy mới mong sớm khống chế được dịch bệnh, sớm đạt được trạng thái bình thường mới.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận