Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, xuất khẩu, đầu tư công và tiêu dùng trong nước là 3 động lực, 3 "chân kiềng" để phát triển kinh tế. Dịch bệnh Covid-19 khiến chuỗi cung ứng trong nước đứt gãy, xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn, nên đầu tư công được coi là một trong những động lực chính giúp kinh tế tăng trưởng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, nếu giải ngân vốn đầu tư công mỗi năm tăng thêm 1% thì GDP sẽ tăng thêm 0,058%. Đồng thời, hiệu ứng lan tỏa của đầu tư công giai đoạn này còn mạnh mẽ hơn khi 1 đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư khối ngoài nhà nước (doanh nghiệp tư nhân và khối FDI), cao hơn mức 1,42 đồng của giai đoạn trước.
Tuy nhiên, cũng như các lĩnh vực kinh tế khác, đầu tư công đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, giải ngân đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 171.900 tỷ đồng, mới đạt 36,8% kế hoạch năm, dù đã tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2020. Kế hoạch giải ngân đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 công bố hồi đầu năm nay là 2,500 triệu tỷ đồng đã được nâng lên 2,870 triệu tỷ đồng vào ngày 24/5/2021, tăng thêm hơn 40% so với con số thực hiện của giai đoạn trước. Mục tiêu đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tác động lan tỏa nhiều khối ngành, chuyển đổi kinh tế số theo cách mạng công nghệ 4.0, thay vì ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội như giai đoạn 2016 - 2020.
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với những nỗ lực khắc phục hạn chế của giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, dự kiến bố trí vốn của Chính phủ đã tập trung hơn, tổng số dự án chỉ còn dưới 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn trước. Trong đó Điều 6 của Nghị quyết tập trung phân tích và nếu các giải pháp nhằm xử lý những nguyên nhân gây ách tắc trong giải ngân đầu tư công như chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư thấp; phân bổ vốn chậm; bất cập trong cơ chế, chính sách chậm được sửa đổi, bổ sung; quy trình, thủ tục phức tạp; năng lực thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công còn yếu; nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, điều chỉnh dự án...
Nghị quyết cũng xác định mục tiêu tổng quát là tiếp tục thực hiện cơ cấu lại đầu tư công và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội, phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước; tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội; góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong nửa cuối năm 2021 và các năm tiếp theo của giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tác động tích cực, trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, khi mà các "chân kiềng" xuất khẩu và bán lẻ nội địa đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, nhất là đại dịch Covid-19 và tình trạng giãn cách xã hội trên diện rộng để phòng chống dịch với nhiều diễn biến khó lường và kéo dài. Luồng vốn đầu tư công sẽ tác động tích cực đến các dự án cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường bất động sản. Thúc đẩy đầu tư công trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng trở thành động lực tăng trưởng chính cho thị trường bất động sản trong các năm tới, kéo theo sự tăng trưởng của các nhóm ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, logistics, cảng biển và chuyển đổi số. Thị trường chứng khoán cũng được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công này./.