Mới đây, chị Anh Thư ở Đống Đa, Hà Nội, mua 4 lọ Xuyên tâm liên nấm lim xanh đông trùng hạ thảo nano gold của Công ty TNHH Dược phẩm quốc tế An Hòa Phát Takeda Tokyo Japan, địa chỉ tại Diềm Xá, Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội với giá bán là 150.000 đồng. Chỉ 2 ngày sau, người nhà chị mua lọ Xuyên tâm liên nấm lim xanh đông trùng hạ thảo nano gold với hộp giấy bao bì có màu sắc và thông tin giống y hệt với giá chỉ 78.000 đồng.
Nếu chỉ nhìn hộp bìa đựng lọ thuốc thì khác biệt duy nhất là tem dán niêm phong, hộp thứ nhất là tem có mã cào và mã QR, hộp thứ hai chỉ là tem in chữ "Tem chống hàng giả". Trên 2 tem đều in chữ An Hòa Phát nhưng màu sắc khác nhau, và hộp thứ hai thì ghi rõ Công ty TNHH Dược phẩm quốc tế An Hòa Phát. Lọ thuốc thứ hai nắp màu vàng nhạt và không có 2 vạch vòng quanh nắp như ở lọ thuốc thứ nhất, logo tem nhãn trùng với logo in trên hộp, và thông tin in trên nhãn rõ ràng, dễ đọc hơn. Còn ở lọ thuốc thứ nhất logo mang dòng chữ NGP MAX. Đáng chú ý là viên thuốc ở lọ thuốc thứ nhất (lọ 150.000 đồng) là viên thuốc con nhộng màu xanh nhạt, bóc vỏ nhộng đổ thuốc vào một chén nước ấm thì thuốc tan nhanh, không vón cục, có màu xanh xám và mùi hương xuyên tâm liên khá quen thuộc với người Việt. Khi uống để lại vị đắng nhẹ đặc trưng. Còn thuốc của lọ thứ hai (loại 78.000 đồng) là viên con nhộng màu vàng nhạt, vỏ hơi cứng, mùi chua hơi tanh, thuốc tan chậm trong nước và khi uống vào có vị lờ lợ, không thấy mùi hay vị của xuyên tâm liên. Khi thả hai vỏ nhộng bọc thuốc vào nước thì vỏ màu xanh của lọ thứ nhất tan rất nhanh, còn vỏ vàng của lọ thứ hai mất một lúc lâu mới tan hết.
Đem thắc mắc đi hỏi nhà sản xuất, chị Thư được biết, doanh nghiệp này cũng rất đau đầu bởi tình trạng làm hàng nhái sản phẩm Xuyên tâm liên nấm lim xanh đông trùng hạ thảo nano gold với những giá bán khác nhau, chủ yếu đăng bán trên mạng xã hội và một số trang thương mại điện tử, không phải thông qua sự kiểm tra, thẩm định, giám sát nào. Chỉ cần tìm kiếm xuyên tâm liên bằng công cụ Google search, hàng trăm kết quả sẽ xuất hiện với giá bán khác nhau, từ 78.000 đồng đến 280.000 đồng. Trong số đó, thuốc nào chứa hàm lượng xuyên tâm liên đủ để có tác dụng phòng chống cảm cúm thông thường, thuốc nào có thể có chất không có lợi cho sức khỏe thì chẳng ai biết rõ.
Khoảng 2 tháng gần đây, xuyên tâm liên làm mưa làm gió trên mạng với đủ dạng chế phẩm: viên uống thực phẩm chức năng, trà nhúng, siro... khi có thông tin rằng xuyên tâm liên có thể điều trị Covid-19. Thông tin này xuất hiện đúng vào thời điểm dịch bùng phát mạnh, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, khiến tâm lý người dân hoang mang, lo lắng. Thậm chí, trên mạng xã hội còn xuất hiện nhân vật giả làm F0 khỏi bệnh nhờ uống xuyên tâm liên.... Tuy nhiên, cơ quan chức năng khẳng định không có loại thực phẩm chức năng nào có tác dụng "kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống Covid-19..." như quảng cáo bán hàng.
Tổng cục Quản lý thị trường đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý địa bàn, nắm diễn biến tình hình đối với các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo công dụng "kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp". Nếu phát hiện hành vi vi phạm, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Theo Bộ luật Hình sự, làm giả thuốc chữa bệnh, phòng bệnh có thể bị phạt tù đến chung thân hoặc tử hình, phạt tiền tối đa đến 20 tỷ đồng; Làm giả lương thực, thực phẩm có thể bị phạt tù đến 20 năm và phạt tiền tối đa đến 18 tỷ đồng; Quảng cáo gian dối hoặc lừa dối khách hàng có thể bị phạt tối đa 100 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm./.