Độc lập, tự cường - khát vọng và thách thức

Ngày 2/9/2021, kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn khát vọng độc lập, khát vọng lớn của nhân loại.

 

Ngày 2/9/2021, kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt Nam, cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn về khát vọng độc lập, một trong những khát vọng lớn nhất của nhân loại. Độc lập thể hiện ở những yêu cầu sát sườn, cụ thể, trong đó có yêu cầu độc lập, tự cường về kinh tế.

Đầu tư công - một trong ba đông lực tăng trưởng chính

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhìn nhận, sau hơn 75 năm độc lập, 35 năm đổi mới, kinh tế, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đại hội đặt ra mục tiêu cụ thể: đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Một góc TPHCM - đầu tàu kinh tế của cả nước (ảnh KT)

Định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 cũng được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu rõ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP. Các chỉ tiêu xã hội cũng đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế: Đến năm 2025, tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỉ lệ lao động qua đào tạo là 70%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2025 dưới 4%...

Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - đang có tốc độ đô thị hóa nhanh (ảnh KT)

Đại dịch Covid-19 với đợt bùng phát thứ tư có tốc độ lây lan nhanh chóng đang là một thách thức rất lớn đặt ra trên bước đường thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và các mục tiêu lớn do Đại hội Đảng XIII đề ra. Việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch dẫn tới tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến doanh nghiệp đình trệ sản xuất, người lao động không có việc làm và thu nhập. Khi kinh tế thế giới bắt đầu hoạt động trở lại, việc phải tạm đình trệ sản xuất kinh doanh  khiến cộng đồng doanh nghiệp, người lao động và các cơ quan quản lý rất lo lắng, bất an. Nếu chúng ta chậm chân, rất có thể mất đi nhiều đơn hàng và không ít cơ hội làm ăn trôi qua.

Ngành hàng không với các sân bay hầu như không một bóng người đang phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, nguồn lực cần được tập trung cho công tác chống dịch. Về mặt kinh tế, cần ưu tiên giải ngân đầu tư công và thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở những vùng dịch chưa bùng phát mạnh. Đối với những doanh nghiệp xuất khẩu đã có đơn hàng, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp có thể thực hiện được đơn hàng khi đáp ứng đủ yêu cầu về an toàn phòng chống dịch. Một trong những việc các bộ ngành và địa phương cần quan tâm tháo gỡ là tổ chức lại mạng lưới phân phối, hậu cần phù hợp với điều kiện thời dịch để tránh tình trạng nơi thì hàng hóa thừa ế, nơi lại thiếu hụt nghiêm trọng do bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Quan trọng là dù sốt ruột đến mấy thì các doanh nghiệp, nhà sản xuất kinh doanh cũng cần có giải pháp động viên, tạo điều kiện cho người lao động yên tâm giãn cách, tiêm vaccine sớm nhất có thể để đảm bảo duy trì nguồn lao động.

Xuất nhập khẩu - một trong ba trụ cột của nền kinh tế

Độc lập, tự cường là khát vọng mà nền kinh tế nào cũng hướng đến. Dịch bệnh Covid-19 buộc chúng ta phải nhìn lại phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để đạt được hiệu quả cao nhất. Đoàn kết, liên kết chặt chẽ, tổ chức khoa học không chỉ giúp doanh nghiệp, người kinh doanh và toàn bộ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn này, mà còn là sức mạnh để đón cơ hội vươn lên, khi dịch bệnh dần dần được khống chế./.  

 

Bình luận

    Chưa có bình luận