Không để doanh nghiệp cạn kiệt

14.890 doanh nghiệp cho biết phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh do dịch, hơn 21% doanh nghiệp buộc phải đóng cửa do không đáp ứng yêu cầu phòng dịch Covid-19

 

Một khảo sát mới đây do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và Báo điện tử VnExpress thực hiện với 21.517 doanh nghiệp, hộ kinh doanh về tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 cho thấy: 69% số doanh nghiệp tham gia (tương đương 14.890 doanh nghiệp) cho biết phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh do dịch. Phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và chủ yếu tập trung ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai - những địa phương có số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước và thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Ngoài ra, có hơn 21% doanh nghiệp buộc phải đóng cửa do không đáp ứng các yêu cầu phòng dịch. Cùng với đó, các doanh nghiệp tham gia khảo sát đều đang thiếu vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các hoạt động cơ bản của doanh nghiệp. Có tới 40% số doanh nghiệp đang tạm nghỉ chỉ có đủ vốn để duy trì hoạt động dưới 1 tháng. Tỷ lệ này ở nhóm hộ kinh doanh lên tới 45%. Tỷ lệ tương ứng ở công ty TNHH, cổ phần là 39,5%, doanh nghiệp Nhà nước 30%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI 23,5%. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đóng cửa càng lâu thì nguy cơ giải thể càng cao nếu không có sự hỗ trợ đúng lúc. 

Công ty Datalogic Việt Nam tổ chức chỗ ở cho người lao động tại công ty.

Tình trạng doanh nghiệp mất lao động và lao động mất việc làm cũng khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó. Theo thông tin của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng, việc giãn cách xã hội kéo dài khiến cho một số doanh nghiệp FDI ở phía Nam bắt đầu tính tới kế hoạch di dời cơ sở sản xuất kinh doanh khỏi TPHCM, thậm chí là rời khỏi Việt Nam do số lao động bị giảm nhiều, năng lực sản xuất sụt giảm rất mạnh, họ không còn khả năng để đáp ứng các đơn đặt hàng lớn của bạn hàng nước ngoài. Bình quân doanh nghiệp duy trì "3 tại chỗ" phải trả thêm khoảng 9,3 triệu đồng/tháng cho mỗi người lao động, tăng gấp đôi so với điều kiện bình thường.

 

Như vậy, nếu không có những giải pháp phù hợp, bao nhiêu nỗ lực thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp sẽ "xuống sông xuống biển". Đây cũng là mối quan tâm lớn của Chính phủ trong phiên họp thường tháng 8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine bao phủ diện rộng. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung cho phát triển hạ tầng bao gồm cả hạ tầng cứng và mềm. Thủ tướng khẳng định "Nơi nào không giải ngân được dứt khoát là cắt, không có dự án thì cắt bỏ, tập trung cho những nơi có dự án và đang triển khai tốt". Liên quan đến doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng cần  điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác; giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội và chuỗi cung ứng không bị đứt gãy; sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các quy định pháp luật gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Công nhân trong DN chế biến thủy sản xuất khẩu

Yêu cầu của Thủ tướng cũng là mong mỏi của doanh nghiệp hiện nay. Một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp bớt khó khăn là nhà nước hỗ trợ cho vay với lãi suất 1 - 3% một năm để trả lương cho người lao động. Cùng với đó là giảm các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng; giảm tiền điện, nước, nhiên liệu; giảm tỷ lệ đóng góp bảo hiểm xã hội hoặc hoãn đóng bảo hiểm xã hội từ 3 - 6 tháng sẽ giúp doanh nghiệp bớt khó khăn và có điều kiện giữ chân người lao động. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng chuẩn bị kỹ kịch bản sống chung với dịch bệnh và tạo điều kiện cho người lao động đã tiêm đủ 2 mũi vaccine được trở lại làm việc để phục hồi sản xuất kinh doanh./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận