Hà Nội và nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang có dấu hiệu hạ nhiệt, số ca tử vong và số ca tiến triển nặng đã giảm sâu. Đó là những dấu hiệu tích cực cho thấy, chúng ta đã có cơ sở để tính toán kỹ lưỡng việc khởi động lại nền kinh tế.
Gần hai tháng qua, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã có những cuộc tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp khiến cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy và các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, gần như cạn kiệt nguồn lực. Thông điệp xuyên suốt, nhất quán luôn được Thủ tướng nhấn mạnh khi đối thoại với các doanh nghiệp là: “Lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”. Khi khó khăn dịch bệnh, các bên phải cùng chia sẻ, thông cảm, đoàn kết với nhau, cùng tìm ra giải pháp phù hợp để thích ứng.
Thông điệp đó đã được nhiều doanh nghiệp chia sẻ. Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết: Theo Báo cáo về Chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham, kể từ khi làn sóng Covid-19 thứ 4 xuất hiện, chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu chỉ đạt ngưỡng 15,2 điểm. Đây là mức thấp nhất từ trước tới nay khiến 18% doanh nghiệp EU tại Việt Nam đã chuyển đơn hàng sang nước khác, 16% đang được cân nhắc, song chưa doanh nghiệp châu Âu nào rời Việt Nam.
Tuy nhiên, chưa không có nghĩa là không, và nếu như Chính phủ, các Bộ ngành, đặc biệt là các địa phương không sớm có giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế hoạt động trở lại, thì cộng đồng doanh nghiệp (bao gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) sẽ cạn kiệt sức lực. Hậu quả sẽ là nền kinh tế không còn động lực phát triển, ngân sách mất nguồn thu để bù đắp chi phí phòng chống dịch và người lao động mất việc làm. Nguy cơ “chảy máu” vốn đầu tư khỏi Việt Nam sẽ hiện hữu.
Theo các chuyên gia kinh tế, để không bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế sau đại dịch, chính quyền các địa phương đạt kết quả phòng chống dịch tốt, sau nhiều ngày không có ca nhiễm mới, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động mạnh, nối lại chuỗi cung ứng. Ở những địa phương dịch còn diễn biến phức tạp thì nên lựa chọn giải pháp phòng chống dịch hiệu quả, gọn nhẹ, ít tốn kém để khơi thông dần các điểm nghẽn về kinh tế, ưu tiên những ngành có đóng góp nhiều cho kinh tế địa phương và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Không chủ quan, phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch, nhưng cũng không cực đoan để cả một nhà máy, một phân xưởng phải đóng cửa chỉ vì một ca F0./.