Củng cố vị thế của nông nghiệp và nông dân

Kinh tế nông nghiệp đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo vững chắc nguồn cung lương thực thực phẩm tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

 

Nhiều năm nay ngành nông nghiệp Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ: Tốc độ tăng trưởng bình quân được giữ vững, đóng góp đáng kể vào GDP, xuất khẩu các sản phẩm nông-lâm-thủy sản từ 35 đến 38 tỉ USD. Kinh tế nông nghiệp đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo một cách vững chắc nguồn cung lương thực thực phẩm tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Tồn tại lớn nhất là sản xuất nông nghiệp còn manh mún nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra hàng chục triệu tấn/năm song chất lượng lại không đồng đều, kỉ luật sản xuất chưa chặt chẽ, an toàn thực phẩm còn nhiều vấn đề. Ngoài ra, năng suất cây trồng, vật nuôi còn thấp, năng lực cạnh tranh chủ yếu dựa vào tiền nhân công thấp và giá rẻ. Số liệu cho thấy năng suất ngành nông nghiệp chỉ bằng 38.9% năng suất chung của cả nền kinh tế, 30,4% của ngành công nghiệp và 37,7% của các ngành dịch vụ.

Mặt khác, các sản phẩm được sản xuất ra mang tính tự phát, không theo tín hiệu của thị trường, không có kho dự trữ chiến lược để chờ giá tốt mới bán. Hiện tượng "được mùa rớt giá" tương đối phổ biến và kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục. Lợi nhuận bình quân của người sản xuất chiếm tỷ trọng nhỏ, không tương xứng với công sức bỏ ra.

Cần nâng cao vị thế nông nghiệp và nông dân

Để khắc phục những yếu kém này, điều cần quan tâm đầu tiên là quy hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ở nước ta phải đi trước một bước, trên cơ sở lợi thế của từng vùng để xác định những cây trồng, vật nuôi chủ lực, có tiềm năng phát triển. Cần bổ sung chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất bao gồm: Chính sách về tích tụ ruộng đất, vốn sản xuất kinh doanh, chính sách bảo hiểm, hạn chế rủi ro trong biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh. Đi theo đó là những chính sách hỗ trợ cho các hợp tác xã sản xuất thương mại và các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tại các địa phương trên nguyên tắc đảm bảo cả đầu vào và đầu ra cho việc sản xuất, thu hoạch, dự trữ, chế biến sâu và tiêu thụ nội địa, xuất khẩu.

Cánh đồng rau sạch ở Hà Tĩnh

Các điều kiện về cơ sở hạ tầng nông nghiệp như: kho dự trữ chuyên dùng cho các sản phẩm thủy hải sản, nông sản; đường giao thông nội bộ và nội vùng; cảng biển, cảng sông; hệ thống chợ đầu mối vùng... cần được đầu tư đồng bộ và bài bản. Nhân lực nâng nghiệp cần được nâng cao trình độ và thu hút vào các vùng sản xuất lớn, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm vùng.

Hàng hóa sản xuất ra phải có một hệ thống phân phối đủ mạnh, đủ sức bao tiêu, mở rộng cửa đón sản phẩm Việt và các hàng hóa nhập khẩu khác để tiêu thụ, để hài hòa lợi nhuận mà ưu tiên trước hết là lợi nhuận của người sản xuất, để phục vụ tiêu dùng xã hội một cách hiệu quả, tăng trưởng nhanh và bền vững. Đi đôi với sản xuất và phân phối cần tổ chức tốt lực lượng chức năng để kiểm soát thị trường, chống làm ăn phi pháp, nhằm bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, xử lý nghiêm vi phạm từ biên giới, từ nơi sản xuất là chính, kiểm soát ở nội địa chỉ là bổ sung.

Tiếp tục thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới. Những kết quả sản xuất kinh doanh của người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp chỉ có ý nghĩa trọn vẹn khi đời sống của họ được nâng cao, góp phần vào sự phát triển của ngành nông nghiệp, đời sống nông dân và khu vực nông thôn./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận