Ngày 13/10 hàng năm là ngày tôn vinh các doanh nhân Việt Nam, những người đóng góp công sức, trí tuệ và tiền bạc để phát triển kinh tế.
Đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở những địa phương đang có ưu thế phát triển kinh tế mạnh nhất, có lực lượng doanh nghiệp và doanh nhân đông đảo nhất đã khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Năng lượng, ngân sách, nhân lực, vật lực của các doanh nghiệp và cộng đồng doanh nhân đều được đem ra để tham gia phòng chống dịch ngay tại doanh nghiệp mình, địa phương mình. Điều đó khiến cho một doanh nhân kinh doanh thời trang lớn đã phải thốt lên: Giãn cách mới chỉ làm doanh nghiệp "ngắc ngoải", sau giãn cách mới là lúc chứng kiến nhiều doanh nghiệp "chết". Nhận xét này không phải là nói quá, khi số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 9 tháng năm 2021, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90.300 doanh nghiệp, tăng 15,3%, bình quân một tháng 10.000 doanh nghiệp.
Trong buổi gặp mặt cộng đồng doanh nhân sáng 12/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi lời cảm ơn tới tất cả doanh nhân vì những đóng góp của họ với kinh tế đất nước. Cũng trong cuộc gặp này, đại diện các doanh nhân đã bày tỏ mong muốn được đóng góp trí tuệ vào chương trình phục hồi tổng thể cấp quốc gia cũng như ở các ngành, các địa phương. Nhưng để làm được điều đó, theo các doanh nhân, Chính phủ cần sớm mở cửa trở lại an toàn, nhanh nhất, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là các hỗ trợ về mặt chính sách, giải pháp, tạo cơ chế, môi trường để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bởi nỗ lực tự thân là không đủ.
Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn này cần triển khai trên quy mô lớn trong trung và dài hạn, trong đó cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt cần có chính sách tài khóa ổn định, nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ, lãi suất huy động và lãi suất cho vay chênh lệch không quá 2,5%...
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là lực lượng chính đóng góp cho ngân sách, phát triển kinh tế đất nước, quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với thế giới, tạo ra việc làm cho người lao động, giúp ổn định anh sinh xã hội, giảm gánh nặng cho Nhà nước. Chính phủ, người dân và xã hội kỳ vọng ở đội ngũ doanh nhân rất nhiều. Khát vọng của doanh nhân Việt Nam cũng rất lớn. Nếu không có đại dịch Covid-19, có thể nhiều khát vọng đã dần dần được hiện thực hóa. Nhưng đại dịch xảy ra không chỉ là tai họa mà còn như một phép thử với các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Đây là lúc doanh nghiệp Việt Nam cần hướng đến tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị sức lao động. Doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt trên thương trường quốc tế./.