Dịch bệnh Covid-19 đợt thứ tư đã qua giai đoạn căng thẳng nhất, Chính phủ đã thống nhất áp dụng Nghị quyết phòng chống dịch trong toàn quốc - Nghị quyết 128/NQ-CP Ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”... Tất cả để hướng tới một trạng thái bình thường mới nhằm phòng chống dịch song song với phục hồi kinh tế. Tất nhiên cho đến bây giờ, vẫn còn băn khoăn giữa phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Thực tế cho thấy, sau làn sóng "hồi hương" của các lao động ngoại tỉnh ở TPHCM, một số địa phương đã xuất hiện F0 sau một thời gian tạm khống chế được dịch. Nhưng dù băn khoăn thế nào cũng không thể tiếp tục để kinh tế đình trệ. Đình trệ hôm nay sẽ dẫn đến tụt hậu ngày mai và sang năm 2022 sẽ bị thu hẹp dư địa phát triển.
Quỹ tiền tệ quốc tế IMF mới đây dự báo: kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 5,9% vào năm 2021 và 4,9% vào năm 2022. Trong đó, Mỹ tăng trưởng 6,0%, khu vực đồng Euro là 5%, các nền kinh tế mới nổi tăng 6,4%. Do bùng phát dịch bệnh trở lại, khu vực ASEAN từ chỗ nhiều năm dẫn đầu về tăng trưởng, đã được dự báo mức tăng trưởng thấp. Hãng Bloomberg cũng xây dựng bộ chỉ số chống chịu Covid, đánh giá khả năng ngăn chặn virus, chất lượng chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ tiêm chủng, tỷ lệ tử vong, tiến trình bắt đầu lại du lịch và nới lỏng biên giới.
Trong bối cảnh chung đó, Việt Nam cần xác định rõ mục tiêu quan trọng nhất là xây dựng và nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế, đặc biệt năng lực cạnh tranh trong bối cảnh bất thường (ví dụ dịch bệnh) và tiềm năng phát triển bền vững. Ở đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố quyết định. Muốn phát triển được kinh tế thì phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch bằng biện pháp tiêm vaccine bao phủ ít nhất 75% dân số, đồng thời chủ động hơn về nguồn vaccine cũng như khuyến khích nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị trong nước, nâng cao năng lực và bổ sung trang thiết bị cho lực lượng y tế.
Có một thực tế đáng quan tâm, sau nhiều năm tốn kém chi phí và công sức nhưng chưa thuyết phục được người dân mặn mà với tiêu dùng không dùng tiền mặt, thì gần 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành với nhiều lần giãn cách xã hội theo các cấp độ khác nhau, người dân và doanh nghiệp đã thay đổi. Từ chỗ nhất định phải mua bán trực tiếp, tiêu tiền mặt, giờ đây người tiêu dùng trong cả nước đã quen với kinh tế số và tiêu dùng không dùng tiền mặt. Thậm chí kinh tế số đã góp phần "giải cứu" các loại hoa quả đặc sản như vải thiều, nhãn lồng khi dịch bệnh khiến giao thương khó khăn. Do đó, việc cần làm sau đại dịch chính là tạo không gian phát triển cho kinh tế số và tiêu dùng không dùng tiền mặt, đầu tư hạ tầng kỹ thuật phù hợp với những thay đổi về hành vi, thói quen, phương thức mua bán giao dịch của người dân.
Điều quan trọng vẫn là giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp với những gói tài chính quy mô đủ lớn; các chính sách về thuế, phí, bảo hiểm, tài chính cần được cân nhắc giảm nhẹ và thủ tục đơn giản; các chính sách liên quan đến lao động cần mở hơn để giúp doanh nghiệp duy trì lực lượng sản xuất, đáp ứng các đơn hàng quan trọng, và người lao động giữ được việc làm. Thông tin kịp thời, minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận được chính sách đầy đủ, chính xác, để chính sách phát huy hiệu quả trong cuộc sống./.