Ổn định giá cả hàng hóa thiết yếu để kiềm chế lạm phát

Bộ Tài chính vừa cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 có thể giảm 0,1 - 0,15%, dự kiến từ nay đến cuối năm CPI bình quân tăng khoảng 2%.

 

Bộ Tài chính vừa cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 có thể giảm 0,1 - 0,15%, dự kiến từ nay đến cuối năm CPI bình quân tăng khoảng 2%.

CPI trong nước tăng do sức ép nặng nề từ việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng đầu vào sản xuất như xăng dầu, sắt thép, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi... Nguyên nhân là nhu cầu nguyên nhiên vật liệu sử dụng cho phục hồi kinh tế tăng mạnh ở tất cả các quốc gia, nhất là cường quốc về kinh tế, khi dịch bệnh dần dần được khống chế và các quốc gia nỗ lực mở cửa thị trường, đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới. Chi phí logistic tăng rất cao sau một thời gian dài chuỗi cung ứng toàn cầu gần như bị đứt gãy.

Doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực phục hồi

Năm 2022, mối lo lớn nhất của kinh tế toàn cầu chính là nguy cơ khủng hoảng năng lượng tiếp tục trầm trọng hơn sẽ dẫn đến xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của các cường quốc kinh tế. Hoạt động này sẽ tác động đến mọi mặt của kinh tế thế giới và trong nước. Năm tới sẽ có thêm nhiều nước mở cửa thị trường, khôi phục sản xuất, đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng năng lượng, nhiên liệu, nguyên vật liệu, sử dụng các dịch vụ kho vận ngoại thương, vận tải tăng mạnh, khiến cho giá cả hàng hóa thế giới tăng mạnh và hoạt động mua sắm sẽ có sự cạnh tranh rất lớn. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn đầu vào nhập khẩu nên sẽ phải chịu sức ép rất lớn, đó là chưa kể dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát khiến việc phục hồi kinh tế khó khăn hơn.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, còn có một yếu tố khác ảnh hưởng tiêu cực đến giá nông sản, thủy sản, đó là tình trạng nhiễu loạn thông tin. Những thông tin không chính xác, thông tin tiêu cực có thể làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà nông cũng như hoạt động sản xuất nông nghiệp, từ đó dẫn đến những biến động xấu về giá cả. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc đến việc lan truyền thông tin tồn đọng 8 triệu con lợn khiến nhà nông lo lắng, bán tống bán tháo, lại đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 khiến các nhà hàng, khu du lịch đóng cửa đã làm giá lợn hơi giảm mạnh...

Giá thịt lợn hơi chịu ảnh hưởng của thông tin không tích cực

Trước mắt, từ nay đến cuối năm, nhóm hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu có thể còn tăng giá mạnh do nhu cầu sử dụng tăng cao, nhất là khi Tết Nguyên Đán đến gần, trong khi việc phục hồi sản xuất sau khi nới lỏng giãn cách xã hội còn nhiều vướng mắc. Để có thể ứng phó linh hoạt hơn nhằm đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, công tác quản lý, điều hành giá phải thận trọng, linh hoạt và kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu cũng như hỗ trợ mục tiêu kép của Chính phủ. Dù đây là “khẩu hiệu” quen thuộc trong công tác điều hành giá, nhưng giai đoạn này càng phải nghiêm túc áp dụng. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương phải thật sự chặt chẽ, linh hoạt, bám sát thực tiễn.

Đặc biệt là cần ưu tiên giữ ổn định giá các hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, điện, thực phẩm... nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và giảm gánh nặng cho người dân. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cần cân đối, hài hòa, phù hợp với nhu cầu vốn phục hồi và phát triển kinh tế để không bỏ lỡ cơ hội sau đại dịch./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận