Cơ hội phục hồi kinh tế sẽ như thế nào?

Những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm tới gói phục hồi kinh tế đang được đề xuất mà theo nhiều chuyên gia dự đoán có thể tới 800.000 tỉ đồng.

 

Những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm tới gói phục hồi kinh tế đang được đề xuất mà theo nhiều chuyên gia dự đoán có thể tới 800.000 tỉ đồng. Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng cho rằng, gói này không thể dưới 500.000 tỉ đồng, không thấp hơn tổng mức đầu tư công hàng năm.

Gói phục hồi kinh tế có thể lên tới 800.000 tỉ đồng

Đây là một thông tin rất đáng được kỳ vọng, bởi lẽ sau gần 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, đặc biệt là sự nguy hiểm của biến thể Delta, toàn bộ nền kinh tế từ doanh nghiệp đến người lao động đều chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Lần đầu tiên sau nhiều năm, kinh tế nước ta đã tăng trưởng âm vào quý III/2021 với mức -6,17%. Trong 9 tháng năm 2021 có hơn 90.000 doanh nghiệp rời thị trường, tương đương mức bình quân 10.000 doanh nghiệp/tháng. Sau đợt dịch thứ tư (từ 27/4/2021 đến nay), hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực, địa phương đều suy giảm tăng trưởng. Cụ thể là 18/19 tỉnh Nam bộ tăng trưởng âm, GRDP của TPHCM giảm 24,39%, Hà Nội giảm 7,2%. Vận tải hành khách giảm tới 69,6%; Vận tải hàng hóa giảm 29,7%; Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 28,3%. Đời sống người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng với 1,8 triệu người thiếu việc làm (đây là mức cao nhất trong vòng 10 năm qua), trong khi thu nhập bình quân của người lao động cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua là 5,2 triệu đồng/tháng.

Hàng triệu người lao động mất việc làm, thiếu việc làm, thu nhập giảm sút do dịch

Từ bức tranh ảm đạm này, nhu cầu một gói kích thích kinh tế lớn và phủ rộng trên quy mô toàn quốc là bắt buộc, để từng bước phục hồi nền kinh tế, kịp thời đón bắt cơ hội khi thế giới mở cửa thị trường trong trạng thái bình thường mới. Theo dự kiến, Chương trình phục hồi kinh tế tổng thể sẽ gồm 4 thành phần: Mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch Covid-19; An sinh xã hội và việc làm; Phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng, từ gói kích thích kinh tế này, một đồng vốn ngân sách bỏ ra có thể thu hút 4 - 5 đồng vốn từ các nguồn khác tham gia. Tuy nhiên, trở đi trở lại vẫn là tính hiệu quả của các gói, các chương trình hỗ trợ. Hai năm qua, Chính phủ đã đưa ra không ít gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Covid-19, nhưng quy mô các chính sách hỗ trợ còn thấp (năm 2021 ước khoảng 10,5 tỷ USD, tương đương 2,85% GDP), tính khả thi không cao, thực hiện không đồng đều, thậm chí có hiện tượng "nước chảy chỗ trũng". Doanh nghiệp khó tiếp cận các gói hỗ trợ, bởi lực cản của thủ tục hành chính.

Mặt khác, diễn biến dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp nên không phải địa phương nào cũng sẵn sàng mở cửa cấp tập để có trạng thái "bình thường mới". Ngay cả hoạt động du lịch nội địa vốn mang lại nguồn thu trực tiếp khá lớn cho người dân và ngân sách các địa phương, nhưng chưa thể mạnh dạn tổ chức các tour, tuyến và đón khách tấp nập như trước. Sự lựa chọn giữa phòng chống dịch và phục hồi kinh tế đang là một thách thức với các địa phương.

Chưa phải địa phương nào cũng sẵn sàng mở cửa du lịch trong điều kiện dịch bệnh còn khá phức tạp

Mong muốn phục hồi nền kinh tế là chính đáng. Nhưng trong bối cảnh này thì cần lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề, doanh nghiệp trọng tâm, trọng điểm để gia tăng hỗ trợ, hỗ trợ một cách thiết thực để doanh nghiệp có thể thẩm thấu được, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Cùng với phục hồi kinh tế, chúng ta cần có sự chuẩn bị tốt để sống chung với dịch bệnh./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận