Theo các chuyên gia kinh tế, nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam chưa bị Covid-19 làm xói mòn. Thậm chí, trong giai đoạn hiện nay, đồng Việt Nam đang tăng giá 1,5% so với USD. Tuy nhiên, nếu vẫn đặt mục tiêu an toàn với mức bội chi ngân sách năm 2022 chỉ là 4% thì sẽ khó kích thích tăng trưởng. Bởi vậy, đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch nhưng mạnh dạn trong phục hồi kinh tế mới mong đạt hiệu quả cao, và đồng tiền cần đến với người dân, doanh nghiệp (DN) bằng con đường thẳng nhất, ít rào cản nhất.
Đối với người dân, nếu có thể phát tiền trực tiếp đến từng người thông qua mạng lưới cán bộ cơ sở thì hiệu quả an sinh xã hội sẽ cao hơn rất nhiều, tránh được cảnh hàng triệu người bỏ phố về quê như thời gian vừa qua, gây áp lực lớn lên hoạt động phòng chống dịch ở hầu hết các địa phương.
Đối với DN cần xác định rõ những việc cần làm để hỗ trợ. Trước hết là miễn, giảm các khoản thuế, bảo hiểm xã hội, tiền sử dụng đất... chứ không phải chỉ là hoãn nộp, giãn thời hạn nộp. Bởi hoãn, giãn khiến DN phải treo trên đầu một khoản nợ mới.
Thứ hai, cần thực hiện giảm 3% lãi suất cho vay đối với DN. Theo ước tính, con số này sẽ tương đương khoảng 10% số thuế đóng góp của DN mỗi năm, như vậy sẽ đạt hiệu quả lớn cả về kinh tế và xã hội.
Thứ ba, quan trọng nhất, vẫn là tạo vốn cho DN phục hồi, số vốn này có thể tương đương khoảng 4% GDP, và có thể huy động từ những nguồn ngân sách năm 2021 chưa sử dụng hết. Với sự bùng phát của đợt dịch thứ tư, sẽ có rất nhiều DN không có khả năng tự phục hồi, nên khoản cho vay với lãi suất thấp hoặc không lãi suất sẽ “tiếp sức” để DN quay lại với thị trường. Dĩ nhiên việc cho vay này cần được tính toán phù hợp dựa trên quy mô hoạt động của DN. Với tỉ lệ cho vay chỉ tương đương khoảng 5% - 25% doanh thu, DN, hộ kinh doanh sẽ có khả năng trả nợ.
Ở tầm vĩ mô là câu chuyện kích cầu đầu tư công đồng thời có những ưu đãi đặc biệt cho đầu tư tư nhân. Đầu tư công hiệu quả sẽ kéo theo đầu tư tư nhân phát triển, thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế./.