Dòng tiền cá nhân đang đổ vào đâu?

Chuyển sang trạng thái bình thường mới, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân đổ vào đâu? Kênh tài chính nào đang hút hàng: vàng, USD, bất động sản hay chứng khoán?

 

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 để chuyển sang trạng thái bình thường mới, thị trường bất động sản ở nhiều địa phương sôi động trở lại, với giá bất động sản tăng khá nhanh. Nếu như trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ, phân khúc đất khu công nghiệp, khu chế xuất tăng cao nhằm đón sự phục hồi của nền kinh tế, thì sau giãn cách, phân khúc nhà ở, đất ở, đặc biệt là những khu vực được quy hoạch rục rịch tăng. Ngay cả đất nội đô, giá nhà chung cư, biệt thự, liền kề cũng tăng nhiều so với thời gian trước đó nửa năm. Đáng chú ý là nhiều nhà đầu tư cá nhân, những người có vốn nhàn rỗi sau một thời gian khá dài tạm ngừng kinh doanh do dịch bệnh, đã quay trở lại tìm kiếm cơ hội đầu tư, khiến giá bất động sản có nơi, có lúc tăng ảo khá bất thường.

Một khu đô thị được nhiều người quan tâm (ảnh KT)

Trong khi đó, kênh đầu tư khác là vàng và ngoại tệ giai đoạn từ đầu tháng 11 đến nay cũng tăng khá mạnh. Giá vàng trong nước thời điểm ngày 16/11/2021 đã đạt mức mua vào 60.650.000 đồng/lượng vàng SJC và bán ra 61.350.000 đồng/lượng. Nếu tính giá quy đổi thì giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới cùng thời điểm khoảng 10.000.000 đồng/lượng. Mức giá này chỉ còn cách đỉnh cao nhất từ trước đến giờ vào tháng 8/2020 là 1.050.000 đồng/lượng. Thị trường vàng trong nước còn một yếu tố bất thường khác, đó là thương hiệu Vàng rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín - Minh Châu có giá thấp hơn hẳn, chênh tới 7.460.000 đồng/lượng chiều mua vào và 7.660.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, và tương đối sát với giá vàng thế giới. Đây là một câu hỏi mở của nhiều nhà đầu tư cá nhân.

Giá vàng trong nước đanmg chênh khá cao so với giá thế giới

Có sức hút mạnh nhất trong các kênh đầu tư cá nhân cả trong và sau giãn cách chính là thị trường chứng khoán. Trái với dự đoán của nhiều người rằng khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại thì thị trường sẽ bớt nóng, thực tế cho thấy, dù đã sang giữa tháng 11, nới lỏng giãn cách gần 3 tuần, nhưng sức hút của bảng điện không hề suy giảm. Cá biệt có ngày thanh khoản thị trường lên tới 43.000 tỉ đồng, và chỉ số VN-Index đã có thời điểm chạm mốc 1481 điểm. Xét từ góc độ kinh tế, sự hưng phấn của thị trường chứng khoán có lợi cho cả nhà đầu tư cá nhân khi có một kênh kiếm tiền hiệu quả và khá an toàn, có lợi cho doanh nghiệp - nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ - khi có thể huy động vốn một cách thuận lợi và ít thủ tục hơn. Trên thực tế, thị trường chứng khoán cũng là hàn thử biểu phản ánh sức khỏe tiềm tàng của nền kinh tế, khi thị trường còn sức hút mạnh mẽ thì nền kinh tế vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần nhìn nhận, đánh giá doanh nghiệp, nhóm ngành và dòng chảy kinh tế một cách sáng suốt để tránh đầu tư sai lầm.

Thị trường chứng khoán đang có sức hút mạnh mẽ

Lãi suất tiền gửi giảm cũng có những tác động tích cực đến nền kinh tế như tiền nhàn rỗi được chuyển sang lĩnh vực đầu tư cá nhân trực tiếp khi các doanh nghiệp chưa đủ lực hấp thụ nguồn vốn này. Nhưng cần đảm bảo giảm lãi suất tiền gửi phải tương ứng với giảm lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh, đồng thời khống chế việc cho vay tiêu dùng lãi suất thấp để không tạo nên nợ xấu. Và, cần tính toán đầy đủ đến quyền lợi của người gửi tiền, không để họ phải chịu tác động kép của lạm phát + giảm lãi suất (tức là giảm thu nhập)./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận