Vàng tiền tệ liệu có trở lại?

Trưa 15/2, giá vàng SJC bán ra 63,23 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới quy đổi xấp xỉ 10 triệu đồng/lượng. Đã có thời điểm chênh tới 13 triệu đồng/lượng

 

Thói quen sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán, phương tiện cất giữ, bảo đảm, đã hình thành ở Việt Nam hàng thế kỷ. Khi thị trường vàng Việt Nam liên thông với thị trường thế giới, tập quán này còn tạo nên sự mất cân đối trên thị trường ngoại tệ, khiến một lượng lớn ngoại tệ của Việt Nam bị đổ ra bên ngoài để nhập khẩu vàng. Đó chính là những động lực để cách đây tròn 10 năm, Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh  doanh vàng được ban hành với những quy định khá chặt chẽ, trong đó, quan trọng nhất là khẳng định “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng” tại khoản 3, Điều 4. Với quy định này, thương hiệu vàng miếng SJC trở thành thương hiệu vàng quốc gia, và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC được thuê gia công vàng cho Nhà nước.

Từ 2012, SJC từ thương hiệu vàng của một doanh nghiệp trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia

Không cần nhắc lại những xáo trộn trên thị trường vàng thời điểm đấy, khi có tới hàng chục thương hiệu vàng miếng khác nhau đang lưu hành phải dừng phát hành, khiến người mua khá hoang mang. Nhưng cần thừa nhận, suốt 10 năm thực hiện Nghị định 24, việc thanh toán bằng vàng, dùng vàng như một thước đo giá cả đã giảm rất nhiều. Vàng cũng không còn đóng vai trò “hầm trú ẩn” duy nhất đối với người dân khi còn nhiều kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… đặc biệt là gửi tiết kiệm để đưa dòng tiền tham gia sản xuất kinh doanh.

Thế nhưng, những bất ổn do đại dịch Covid-19 gây ra làm đảo lộn tất cả, và một lần nữa, người dân phải tìm đến vàng như một nơi trú ẩn an toàn trong dịch bệnh. Trong khi đó SJC đã ngừng sản xuất vàng miếng khiến giá vàng miếng SJC tăng đột biến. Trưa 15/02/2022, giá vàng SJC bán ra đã lên tới 63,23 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới quy đổi cùng thời điểm xấp xỉ 10 triệu đồng/lượng. Đã có thời điểm giá cao hơn tới 13 triệu đồng lượng.

Vàng vẫn còn là nơi trú ẩn an toàn của vốn nhàn rỗi trong đại dịch

Nhu cầu tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn cho dòng tiền nhàn rỗi của người dân là tất yếu và hợp pháp. Nếu như không có vàng, người dân cũng sẽ mang tiền đổ sang chứng khoán, ngoại tệ, bất động sản hay gửi ngân hàng để vừa bảo toàn vốn vừa có thêm lợi nhuận. Thế nhưng, nếu tiền đổ vào chứng khoán hoặc gửi ngân hàng, nền kinh tế sẽ có vốn để đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Còn tiền nằm trong vàng, ngoại tệ, bất động sản thì một nguồn lực lớn bị chôn ở đó và ngày càng trở nên khó quản lý. Thực tế thị trường bất động sản thời gian gần đây cho thấy điều đó.

Tiền nhàn rỗi nếu không đổ vào vàng cũng sẽ đổ vào bất động sản khi chính sách lãi suất chưa phù hợp

Vàng tiền tệ có quay trở lại hay không còn tùy thuộc quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, ở nhiều các quốc gia, vàng vẫn là một kênh đầu tư và vẫn tham gia sàn giao dịch hàng hóa như nhiều mặt hàng khác. Trong bối cảnh hiện tại, đối với Việt Nam, điều quan trọng là có chính sách lãi suất hợp lý để doanh nghiệp thực sự hấp thụ được vốn vay, người dân có tiền nhàn rỗi được hưởng lợi. Nếu không, tiền vẫn bị đổ vào những mảnh ruộng, những thỏi kim loại vô tri vô giác, và bất ổn vẫn thường trực trong các hoạt động đầu tư cá nhân./.

Nội dung liên quan:

http://baotnvn.vn/tin-tuc/Goc-nhin-kinh-te/15807/Dau-tu-tai-chinh-the-nao

http://baotnvn.vn/tin-tuc/Goc-nhin-kinh-te/15206/Bat-dong-san-chung-khoan-hay-tich-tru-tien-vang

http://baotnvn.vn/tin-tuc/Goc-nhin-kinh-te/15027/Dong-tien-ca-nhan-dang-do-vao-dau

http://baotnvn.vn/tin-tuc/Goc-nhin-kinh-te/13443/Lai-suat-0-Thay-cay-ma-chua-thay-rung

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận