Ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.
Đây là điều mà cộng đồng doanh nghiệp (DN) trông chờ từ lâu, bởi Covid-19 như cơn đại hồng thủy cuốn theo một lượng đáng kể nhân lực, vật lực, cơ hội của xã hội. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, yếu tố quan trọng nhất để phục hồi trong thời điểm hiện tại là mở cửa nền kinh tế, tiếp đó là đầu tư công. Có thể thấy các động thái chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ từ đầu năm 2022 đến nay đều nhất quán thực hiện hai giải pháp này. Hàng không, giáo dục, du lịch và các hoạt động kinh tế xã hội… đang được mở lại theo lộ trình, hứa hẹn những cơ hội mới xuất hiện.
Trong lĩnh vực đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, tập trung vào những dự án hạ tầng chiến lược quốc gia, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, trong đó có các dự án thành phần xây dựng cao tốc Bắc Nam, và chú ý những khu vực tiến độ triển khai chậm hơn các vùng khác. Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương CIEM - để đẩy nhanh hoạt động đầu tư công thì cần làm rốt ráo 3 việc: giao hết vốn, giải ngân hết số vốn đã giao, thực hiện hiệu quả các nguồn vốn. Đây là những phần việc chưa được triển khai thực sự hiệu quả trong các năm trước.
Đối với các DN, gói cấp bù lãi suất 2%, thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023 lên khoảng 40.000 tỷ đồng là một động lực lớn, nhưng vẫn cần những điều kiện thực tế như khả năng hấp thụ vốn và trả nợ của DN và sự đồng hành của ngân hàng. Nếu cơ chế chưa phù hợp, thiếu sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước trên tinh thần hiểu rõ bản chất hoạt động kinh doanh, khó khăn và nhu cầu của DN thì mọi sự hỗ trợ cũng chỉ nằm ở chủ trương, chính sách mà khó đi vào thực tế. Câu chuyện này không mới, bởi lâu nay tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, “trên quyết liệt dưới thờ ơ” đã khiến các chính sách triển khai vào thực tiễn có độ trễ khá lớn.
Thủ tướng Chính phủ thể hiện thái độ quyết liệt khi yêu cầu việc thực hiện các nghị quyết phải được theo dõi thường xuyên, xử lý ngay các vấn đề nảy sinh, không để tồn đọng, tích tụ… Tinh thần ấy cần sớm được lan tỏa tới từng cơ quan, từng cán bộ để DN và người dân được hưởng lợi từ Nghị quyết 11, nền kinh tế sớm phục hồi và không bỏ lỡ nhịp tăng trưởng năm 2022./.