Trái phiếu doanh nghiệp: Được và mất

Năm 2021, tổng khối lượng TPDN phát hành đạt gần 640.000 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm 2020, với gần 95% là phát hành riêng lẻ.

 

Năm 2020 - 2021 là giai đoạn bùng nổ của trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Năm 2021, tổng khối lượng TPDN phát hành đạt gần 640.000 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm 2020, với gần 95% là phát hành riêng lẻ.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, các tổ chức tín dụng là đối tượng phát hành nhiều nhất, với hơn 36% tổng khối lượng toàn thị trường. Các doanh nghiệp bất động sản đứng thứ hai với gần 33,2%. Trong năm 2021, nhóm 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành nhiều nhất đã vay nợ qua phát hành TPDN hơn 100.000 tỷ đồng, với lãi vay từ 8 - 12,9%/năm. Trong số này có nhiều doanh nghiệp phát hành lượng TPDN gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu. Cá biệt, Công ty Mediterranena Revival Villas phát hành tới 7.200 tỷ đồng TPDN, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ là 153 tỷ đồng, nghĩa là tỷ lệ phát hành cao gấp 47 lần vốn chủ sở hữu. Công ty Osaka Garden phát hành 7.700 tỷ đồng TPDN nhưng vốn chủ sở hữu chỉ đạt 270 tỷ đồng, tức là gấp 28,5 lần vốn chủ sở hữu.

Khi chưa có vụ đổ bể nào, nhà đầu tư cá nhân rất hào hứng với TPDN

Khi chưa có vụ đổ bể nào, nhà đầu tư cá nhân rất hào hứng với TPDN. Lý do quan trọng nhất là lãi suất. Năm 2021, hơn 60% lượng phát hành thành công có lãi suất trên 8%, trong khi mức trung bình lãi ngân hàng năm 2021 chỉ 5 - 6%/năm. Bên cạnh đó, hầu hết nhà đầu tư cá nhân đều mua TPDN thông qua môi giới của nhân viên các ngân hàng, và họ cho rằng đã là nhân viên ngân hàng bán thì sản phẩm đó phải có sự bảo lãnh của ngân hàng, mà không hiểu được rằng thực ra ngân hàng cũng chỉ là một tổ chức trung gian bán trái phiếu thay doanh nghiệp để hưởng hoa hồng chứ không có quyền và cũng không có đủ điều kiện để bảo lãnh cho các doanh nghiệp phát hành. Do thiếu sự hiểu biết thấu đáo nên nhiều nhà đầu tư đã bị mắc vốn trong các đợt phát hành trái phiếu có vướng mắc pháp lý, mà vụ việc Tân Hoàng Minh vừa qua là một điển hình. Sau khi Đỗ Anh Dũng và đồng phạm bị bắt, nhà đầu tư cá nhân đã gửi đơn đi khắp nơi mong đòi lại tiền mà quên mất rằng trước đó đã mua TPDN khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tham gia thị trường ít nhất 1 năm) với kỳ vọng lãi suất cao, dù chưa từng đặt câu hỏi: liệu doanh nghiệp có thể làm gì để hoàn đủ cả vốn lẫn lãi cho mình? Nhiều nhà đầu tư cá nhân đã tìm cách “lách” quy định phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, khiến rào cản kỹ thuật này hầu như chỉ còn tác dụng chính trên thị trường sơ cấp, bị vô hiệu hóa trên thị trường thứ cấp.

Không ai phủ nhận giá trị thiết thực của phát hành TPDN đối với doanh nghiệp, nhưng khi công tác quản lý còn nhiều kẽ hở thì “lợi bất cập hại”. Với nỗ lực thanh lọc thị trường tài chính của Chính phủ, những dự án không tuân thủ quy định của pháp luật, thiếu tính bền vững sẽ bị loại bỏ. Nhưng những nhà đầu tư cá nhân đã trót mua trái phiếu của các doanh nghiệp này sẽ phải chấp nhận bị chôn vốn cho đến khi các vướng mắc pháp lý được tháo gỡ đầy đủ. Và khi ấy, có thể phần lãi tưởng cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng cũng không đủ bù cho lạm phát trên số tiền đã có./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận