Bán xe 2 giá, vẫn bế tắc chuyện cũ

Năm 1999, mẫu xe Future của Honda Việt Nam (HVN) ra đời, người tiêu dùng phải mua chênh vài triệu đồng. Đến năm 2022, hầu hết mẫu xe máy của HVN đều chênh giá.

 

Năm 1999, khi mẫu xe Future của Honda Việt Nam (HVN) ra đời, người tiêu dùng đã phải chấp nhận mua chênh vài triệu đồng. Cứ nghĩ, sau một thời gian dài, thị trường phát triển, bùng nổ, tính cạnh tranh cao hơn, thậm chí số lượng và chủng loại xe bán ra (bao gồm ô tô, xe máy, xe điện) tăng rất mạnh qua từng năm, thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi hơn. Nhưng hóa ra không phải vậy, sau hai thập kỷ, người tiêu dùng vẫn ở “chiếu dưới”: mua xe máy phải chấp nhận chênh giá 1 - 10 triệu đồng, hoặc hơn.

Future - dòng xe mở màn cho việc bán chênh giá các mẫu xe Honda Việt Nam

Đến năm 2022 này, hầu hết mẫu xe máy của HVN đều bị chênh giá, cá biệt xe máy Vision chênh tới 10 triệu đồng/chiếc. Với doanh số bán xe máy của HVN tháng 5/2022 là 152.000 xe, chỉ cần bình quân mỗi xe bán chênh 3 triệu đồng thì người tiêu dùng đã bị “móc túi” xấp xỉ 500 tỉ đồng, và con số thực tế còn lớn hơn nhiều. Năm 2021, HVN bán 1.992.365 xe máy các loại, trong đó 50% là xe tay ga. Như vậy nếu mỗi xe tay ga bán chênh 3 triệu đồng thì cả năm 2021 con số chênh lệch đã lên tới gần 3.000 tỉ đồng. Nếu đại lý chỉ ghi hóa đơn theo giá bán lẻ đề xuất của HVN thì Nhà nước đã thất thu nhiều tỉ đồng tiền thuế từ hoạt động gian lận này.

Wave Alpha - chiếc xe gây xôn xao dư luận vì bị bán chênh giá quá cao hơn 20 năm trước

Tình trạng bán xe chênh giá sau hơn 20 năm không những không giảm mà ngày càng gia tăng ở tất cả các mẫu xe của HVN, và còn được nhiều đại lý bán ô-tô áp dụng, biến đổi thành các chiêu “bia kèm lạc”, bán xe kèm phụ kiện với mức chênh 50 - 70 triệu đồng. Không chấp nhận trả thêm tiền thì phải 3 - 4 tháng sau mới có xe.

Tháng thứ 2 Honda Việt Nam không công bố doanh số bán xe Honda Vision. Đây là mẫu xe chênh giá nhiều nhất

Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao tình trạng này kéo dài mãi như vậy?

Trong nhiều lần họp báo của Honda Việt Nam (HVN), khi phóng viên đặt câu hỏi về tình trạng chênh giá đã thành phổ biến với các dòng xe của công ty này, đại diện doanh nghiệp trả lời: công ty đưa ra giá bán lẻ đề xuất, còn trên thực tế hoạt động mua bán giữa HVN và các cửa hàng bán lẻ và dịch vụ do Honda ủy nhiệm (gọi tắt là HEAD) là mua đứt bán đoạn, nên HVN không thể can thiệp vào giá bán của HEAD. Đó là lý do của nhà sản xuất, còn phía cơ quan quản lý thì đều viện lý do rằng đó là quan hệ dân sự giữa các bên, rồi không có cơ sở, chế tài để xử lý, và kêu gọi nếu gặp tình trạng này thì lập tức báo cơ quan có thẩm quyền… Tất cả thể hiện một sự thiếu quan tâm, thiếu trách nhiệm đối với quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng.

Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội ngày 8/6 về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: "Cơ quan thuế theo quy định phải thanh tra các đại lý. Thực ra thì khó. Lâu nay chúng tôi chưa thể siết chặt được chỗ này. Cái này phải điều tra, thu thập chứng cứ, sau đó đấu tranh có thể mới xử lý được".

Cơ quan quản lý chưa có giải pháp. Nhà sản xuất phủi trách nhiệm. Vậy người tiêu dùng trông cậy vào ai? Hay đành chấp nhận như 20 năm qua buộc phải chấp nhận?

 

Bình luận

    Chưa có bình luận