Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm - mức tăng lớn nhất trong 28 năm qua. Đây là lần thứ ba Fed tăng lãi suất trong nửa đầu năm nay và dự kiến có thể còn những lần điều chỉnh lãi suất tiếp theo trong năm nay, trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu đang chịu những áp lực lớn từ hệ lụy của đại dịch Covid-19 kéo dài suốt hơn 2 năm khiến kinh tế thế giới chao đảo và căng thẳng Nga - Ukraine đang làm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.
Ngay sau động thái của Fed, hàng loạt ngân hàng trung ương các nước điều chỉnh lãi suất, như Ngân hàng trung ương Anh điều chỉnh tăng lần thứ 5 trong năm nay, Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ lần đầu tiên sau 15 năm, Ngân hàng trung ương châu Âu dự báo sẽ có những đợt điều chỉnh tăng lãi suất trong nửa cuối năm. Cùng với đó, nhiều đồng tiền trên thế giới đang mất giá trước đô la Mỹ (USD).
Tại thị trường trong nước, tỷ giá bán ra của các ngân hàng thương mại tiệm cận mức 23.500 đồng/USD, còn trên thị trường tự do, giá USD đã tiến sát ngưỡng 24.000 đồng/USD. Đã từ khá lâu, tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ (VND/USD) được giữ ổn định, giảm áp lực lên doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia, trong bối cảnh hiện tại, nếu cố theo đuổi một tỷ giá ổn định như trước đây thì sẽ gây áp lực không nhỏ lên chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mặt khác một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với nhiều bất lợi.
Theo thông tin của Vụ Quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam trên 100 tỷ USD, nên Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường. Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn. Bằng việc bán ngoại tệ, hệ thống tổ chức tín dụng có điều kiện đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu ngoại tệ của người dân.
Cũng theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá USD/VND hiện nay tăng khoảng 2% so với cuối năm 2021 là phù hợp với điều kiện, diễn biến thị trường trong, ngoài nước. Thị trường ngoại tệ trong nước vẫn hoạt động ổn định, thanh khoản thông suốt. Nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh giá năng lượng và giá hàng hóa cơ bản tăng mạnh. Có thể thấy, việc giữ tỷ giá ổn định là một nỗ lực rất lớn trong điều hành chính sách tiền tệ, khi nền kinh tế nước ta còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu từ bên ngoài. Thả lỏng tỷ giá trong bối cảnh tất cả các mặt hàng đầu vào đều tăng mạnh sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước và dẫn đến nguy cơ lạm phát ở mức cao./.
Ảnh: nguồn internet