10 năm trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ ký ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng với mục tiêu: Bình ổn giá vàng trong nước, giảm độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới (thời điểm đó mức chênh dao động từ 2 - 3 triệu đồng/lượng); Không để vàng trở thành một loại tiền tệ song song với đồng Việt Nam và được sử dụng trong các giao dịch có giá trị lớn; Huy động khối lượng lớn vàng đang được cất giữ trong dân (ước tính lúc đó khoảng 500 tấn vàng).
Không thể phủ nhận những kết quả đạt được từ khi có Nghị định 24, đặc biệt là trong việc chống “tiền tệ hóa” vàng miếng. Nếu như trước kia, những giao dịch có giá trị lớn đều được tính bằng vàng, ví dụ năm 1995 một chiếc xe máy Honda Dream nhập khẩu từ Thái Lan có giá 1,1 “cây” vàng (1,1 lượng vàng) hay năm 2010 một căn nhà ở phố cổ Hà Nội có giá khoảng 500 “cây” vàng, thì nay người dân đã giao dịch hoàn toàn bằng tiền đồng Việt Nam, không quy đổi sang vàng.
Tuy nhiên, sử dụng vàng như một phương tiện trú ẩn của người dân vẫn là nhu cầu có thực ở hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đó là quyền của người dân và luật pháp không cấm. Do đó, nếu muốn huy động vàng trong dân thì điều kiện tiên quyết vẫn phải là nền kinh tế phát triển, đồng tiền có giá trị ổn định, lãi suất ngân hàng đủ hấp dẫn để người dân không cất tiền trong vàng, chứ không thể sử dụng biện pháp hành chính.
Trong khi đó, với mục tiêu ổn định thị trường vàng, giảm sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới thì việc thực hiện Nghị định 24 chưa mang lại kết quả như mong muốn. Điều trớ trêu là khi giá vàng thế giới có biến động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 suốt 2 năm qua, thì chỉ duy nhất vàng SJC là tăng giá rất mạnh khi giá thế giới lên nhưng không giảm tương ứng với giá thế giới, dẫn tới có thời điểm chênh so với giá thế giới trên dưới 20 triệu đồng/lượng. Ở thời điểm 9h10 ngày 4/7/2022, giá vàng SJC là 68.780.000 đồng lượng, trong khi giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín - Minh Châu là 53.890.000 đồng lượng, còn giá thế giới là 1.809,6 USD/ounce, tương đương 51.990.000 đồng/lượng, chưa kể thuế, phí.
Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Từ năm 2014 trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng để sản xuất vàng miếng, như vậy, nguồn cung vàng trong nước đã bị giảm: “Với biến động giá vàng thế giới như vậy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng niêm yết giá cũng sợ rủi ro, cho nên họ niêm yết giá rất cao. Với SJC - thương hiệu vàng được người dân ưa chuộng, họ niêm yết giá cao”. Cách trả lời này chưa thật sự thỏa đáng, bởi lẽ, cùng một nguồn cung, việc chênh lệch giá quá cao giữa các thương hiệu vàng trong nước cho thấy mặt tiêu cực của việc độc quyền nhà nước trong kinh doanh vàng. Vàng không phải mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, liệu có cần thiết tiếp tục duy trì tình trạng độc quyền nữa hay không? 10 năm thực hiện Nghị định 24, đã đến lúc câu chuyện quản lý kinh doanh vàng cần được điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của kinh tế đất nước.