Cái khó không bó tăng trưởng

Tháng 7, Việt Nam là quốc gia duy nhất tại châu Á IMF tăng dự báo tăng trưởng. Năm 2023 dự báo còn 6,7% do mức tăng năm 2022, nhưng vẫn rất cao so với các nước

 

Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay đã đón nhận những đánh giá tích cực của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước với quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 của Việt Nam, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, nguy cơ lạm phát và bất ổn. Ông Francois Phainchaud, Trưởng đại diện Văn phòng Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam (IMF) cho biết: "Trong tháng 7, Việt Nam là quốc gia duy nhất tại châu Á và khu vực ASEAN mà chúng tôi tăng dự báo tăng trưởng. Năm 2023, chúng tôi giảm dự báo xuống còn 6,7% do mức tăng cao của năm 2022, nhưng vẫn là mức rất cao so với các khu vực khác và so với các nước khác".

Các tổ chức quốc tế khác cũng đánh giá tích cực về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam. Mới đây, hãng đánh giá tín dụng Moody's vừa nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng ổn định. Ngân hàng Thế giới WB cũng nâng dự báo tăng trưởng, với nhận định của ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốt trong quý III nhờ ngành công nghiệp hồi phục vượt bậc. Nhưng lạm phát vẫn có thể là rủi ro những tháng cuối năm nay và năm 2023.

Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của World Bank (đồ họa của Vietnam Plus)

Theo đánh giá của quốc tế, Việt Nam đang làm tốt công tác kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng cần thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ. Chính sách tài khóa cần được triển khai mạnh mẽ hơn, nhắm tới mục tiêu cụ thể hơn, triển khai diện rộng hơn để không đi ngược lại chính sách tiền tệ.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, các cân đối lớn nền kinh tế 8 tháng qua vẫn đảm bảo, trong đó thu ngân sách tăng hơn 19%, xuất nhập khẩu đạt gần 500 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: "Tăng trưởng cả năm dự kiến sẽ vượt mục tiêu 6 - 6,5%, nếu nỗ lực thì có khả năng cao hơn".

Phục hồi kinh tế sau đại dịch cho thấy quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và từng người dân trong việc đồng lòng vượt khó. Từ nỗ lực điều hành vĩ mô, chính sách tiền tệ, tài chính, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thắt chặt chi tiêu công, đến nỗ lực của người dân nhanh chóng quay trở lại làm việc, tham gia sản xuất kinh doanh... tất cả đã đưa nền kinh tế sớm thoát khỏi tình trạng trì trệ sau hơn 2 năm đại dịch. Đúng như tinh thần đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Việt Nam "không bó tay, ngồi chờ", mà chủ động tìm hướng đi trong thế bị động, tìm sự ổn định trong chuyển đổi, xáo trộn... để đảm bảo giữ vững các mục tiêu kinh tế vĩ mô và phát triển".

Việt Nam nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch (ảnh VN Media)

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam còn phải giải quyết nhiều vấn đề nội tại. Trước hết là phát triển thị trường chứng khoán một cách lành mạnh, hiệu quả, bởi đây là nơi cấp vốn trung dài hạn cho nền kinh tế. Cần giải pháp nhanh chóng, rốt ráo ổn định thị trường chứng khoán để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải phối hợp tốt. Kiểm soát lạm phát là nhiệm vụ không thể lơ là./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận