Thúc đầu tư công vượt qua những điểm nghẽn

Nếu như đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thì không chỉ nhanh chóng hoàn thiện các công trình mang tầm quốc gia...

 

Một trong những hoạt động quan trọng phục hồi kinh tế chính là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Rất nhiều công trình xây dựng cơ bản đang cần vốn, khát vốn. Nếu như đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thì không chỉ nhanh chóng hoàn thiện các công trình mang tầm quốc gia mà còn kích thích nền kinh tế phát triển. Đó là lý do trong các chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ đều nhấn mạnh mục tiêu giải ngân đầu tư công.

Tuy nhiên, thực trạng tồn đọng nhiều năm nay, và càng bộc lộ rõ trong những năm đại dịch Covid-19 chính là giải ngân rất chậm chạp, hay nói một cách khác là có tiền mà không tiêu được. Theo số liệu của Bộ Tài chính, hết tháng 8, đầu tư công mới giải ngân khoảng 39,15% theo kế hoạch Thủ tướng giao. Con số cập nhật đến ngày 26/9 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư là 46,7%. Tình trạng khó giải ngân diễn ra ở hầu hết các Bộ, ngành, địa phương.

Thực trạng tồn đọng nhiều năm nay càng bộc lộ rõ sau dịch Covid-19 chính là giải ngân rất chậm chạp

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cơ bản nhất vẫn là vướng mắc về thủ tục hành chính. Những vướng mắc này khiến cho có những công trình đã khánh thành hơn 10 năm vẫn “treo” vốn, chưa được thanh quyết toán, khiến doanh nghiệp không thể hoặc không muốn làm những công trình tiếp theo.

Ngoài ra, tình trạng bão giá, lạm phát trong bối cảnh dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá nguyên liệu đầu vào tăng vọt và gây ách tắc đầu ra nhiều sản phẩm càng khiến các doanh nghiệp thuộc nhóm xây dựng cơ bản “ngại” các công trình sử dụng vốn đầu tư công, vì biết chắc nếu nhận sẽ lỗ. Bởi lẽ, định mức giá mà các cơ quan nhà nước áp cho từng hạng mục thấp hơn nhiều so với giá thị trường.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chậm giải ngân đầu tư công chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Đó có thể là do tâm lý ngại sai sót ở các địa phương. Cũng có thể do lựa chọn các dự án chưa phù hợp tình hình thực tế. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng lẽ ra phải đi trước một bước nhưng thực tế lại đang là điểm nghẽn ở nhiều nơi.

Trong khi đó, quy định pháp luật hiện hành đang có nhiều vướng mắc khiến việc thi công các công trình sử dụng vốn đầu tư công gặp khó khăn, mà muốn khắc phục cần xem xét sửa đổi hàng loạt luật liên quan đến hoạt động đầu tư công như Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, và các luật chuyên ngành khác...

Tháo gỡ những điểm nghẽn về các chính sách chưa sát thực tiễn, các quy định pháp luật không theo thị trường và khắc phục tâm lý ngại sai sót của các cán bộ thừa hành sẽ góp phần thúc đẩy giải ngân đầu tư công, làm nền cho kinh tế phục hồi và phát triển./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận