Theo thống kê của các doanh nghiệp, sức tiêu thụ của hầu hết các sản phẩm, dịch vụ đang trong chiều hướng giảm mạnh - kể cả trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão - sau một đợt tăng trưởng ấn tượng khi xóa bỏ giãn cách hậu đại dịch. Các trung tâm thương mại không còn tấp nập như trước, và nhiều cửa hàng mặt phố cũng đã đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh. Sức mua ngày lễ, ngày tết, cuối tuần cũng không tăng. Doanh số bán ô tô tháng 1/2023 do Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam VAMA công bố cho thấy mức giảm 51% so với tháng 12/2022 và giảm 44% so với cùng kỳ năm 2022.
Tiêu thụ chậm là điệp khúc có thể thấy ở nhiều lĩnh vực: từ hàng cao cấp như ô tô, xa xỉ phẩm như thời trang, mỹ phẩm, cho đến nhóm sản phẩm đầu tư như bất động sản, chứng khoán hay sản phẩm tiêu dùng. Có lẽ chỉ những nhu cầu thiết yếu là không giảm, bởi ai cũng cần ăn, cần uống.
Nguyên nhân của tình trạng giảm sức mua chính là việc làm và thu nhập của người lao động không duy trì được như năm 2022. Đã có hơn 500.000 lao động bị giảm giờ làm, khoảng 50.000 lao động mất việc làm do đơn hàng giảm khi kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm giảm 10,3% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh này, sức mua được trông đợi sẽ đến từ hoạt động mở cửa du lịch, thu hút khách quốc tế nhằm kích cầu xuất khẩu tại chỗ. Cùng với đó là phát huy thế mạnh của thương mại điện tử sau khi đã phát triển mạnh lĩnh vực này trong gần 3 năm đại dịch.
Doanh nghiệp cần lựa chọn những phân khúc sản phẩm thị trường đang có nhu cầu ổn định, đồng thời nghiên cứu giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ mới và nắm bắt những thay đổi về hành vi của người tiêu dùng. Bởi lẽ, khi túi tiền thắt chặt hơn, người tiêu dùng sẽ lựa chọn những sản phẩm có chất lượng với giá cả có thể tương đương hoặc cao/thấp hơn một chút so với mức giá cũ, quan trọng là hiệu quả sử dụng cao.
Trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng nhận thức được điều này. Vẫn có những cửa hàng, doanh nghiệp, người kinh doanh nhỏ lẻ cố gắng kiếm lợi nhuận cao nhất khi hàng hóa tiêu thụ chậm, nên đã cung cấp hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, tăng giá vô tội vạ, thậm chí lừa đảo nhằm gỡ gạc. Đặc biệt là hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, nơi người bán và người mua không trực tiếp gặp gỡ, trao đổi. Tuy nhiên, việc làm "bóc ngắn cắn dài" đó không chắc đã giúp doanh nghiệp sống sót sau thời gian khủng hoảng.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia, phải tới 6 tháng cuối năm 2023, tình hình suy giảm sức mua mới được cải thiện. Người kinh doanh, doanh nghiệp cần nỗ lực duy trì hoạt động để chờ cơ hội mới. Do đó, việc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng sẽ giữ chân được khách hàng của doanh nghiệp, biến họ thành khách hàng thân thiết, tránh để mất khách khi cạnh tranh ngày càng gay gắt./.