Chiến lược phát triển công nghiệp ôtô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16/7/2014. Mục tiêu là xây dựng ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ôtô thế giới.
Thế nhưng, chỉ 4 năm sau khi chiến lược được ban hành, việc việc đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với những loại xe sản xuất, lắp ráp tại các nước ASEAN khiến mục tiêu tham gia chuỗi sản xuất công nghiệp ôtô thế giới trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Dĩ nhiên, việc giảm thuế này nằm trong những lộ trình đã ký kết các nước trong khu vực. Nhưng khi có quyết định đó, hầu hết các liên doanh ôtô ở Việt Nam đã chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc, nhàn hơn, lợi nhuận cao hơn, ít phải đầu tư hơn. Họ là những công ty đa quốc gia, nên dù bán xe sản xuất ở quốc gia nào thì cũng vẫn về một đầu mối là công ty mẹ. Còn Việt Nam thì thiệt đơn thiệt kép: ngân sách không thu được đã đành, mà vì một lý do nào đó, các loại thuế, phí, chi phí... cũng khiến người tiêu dùng hầu như không được hưởng lợi gì trong việc áp mức thuế 0%, bởi giá xe ít giảm.
Thế nhưng, chừng đó vẫn chưa đủ. Đầu tháng 3 năm nay, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam cùng Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất với Thủ tướng, các Bộ Công Thương, Tài chính giảm 50% lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Giữa tháng 3, Hiệp hội các nhà nhập khẩu ôtô Việt Nam cũng gửi văn bản gửi lên Quốc hội, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ kiến nghị đề xuất ưu đãi lệ phí trước bạ cho dòng ôtô nhập khẩu.
Phản hồi đề xuất của các hiệp hội và địa phương về việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính cho rằng chính sách này hiện không phù hợp bởi Covid-19 đã được kiểm soát nên không cần thiết phải có giải pháp hỗ trợ cho ngành ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Hơn nữa, chính sách này có thể khiến các nước thành viên WTO nhìn nhận đây như một khoản trợ cấp của Chính phủ. Do đó, Việt Nam có thể nhận được yêu cầu giải thích từ các quốc gia không sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam, Bộ Tài chính cho hay.
Như vậy, để tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc đối xử quốc gia trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới và các Hiệp định thương mại tự do, Bộ Tài chính cho rằng cần áp dụng chung cho cả ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước lẫn nhóm xe nhập khẩu nguyên chiếc. Nếu thực hiện phương án này, theo Bộ Tài chính lại ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của các địa phương, do đây là khoản thu địa phương được hưởng 100%.
Đây là một quyết định phù hợp của Bộ Tài chính, bởi hiện nay ôtô nhập khẩu đang có rất nhiều lợi thế, nếu thêm phần ưu đãi trước bạ chung, cuộc chiến không cân sức sẽ càng làm ôtô sản xuất lắp ráp trong nước đuối sức và càng xa mục tiêu của Chiến lược phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam./.