Không quy định thời hạn sở hữu chung cư

Cách đây nhiều năm, Bộ Xây dựng đã đưa ra đề xuất quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư (dự kiến 50 năm)....

 

Cách đây nhiều năm, Bộ Xây dựng đã đưa ra đề xuất quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư (dự kiến 50 năm). Ngay thời điểm đó, đề xuất này đã vấp phải phản ứng gay gắt của xã hội.

Phản ứng là đúng, bởi lẽ chung cư được giao dịch theo hình thức mua đứt bán đoạn, và khi sở hữu chung cư là người dân đã phải tiến hành đầy đủ các thủ tục về hành chính và tài chính để được quyền sở hữu tài sản trên đất. Không ai có ý định bỏ một số tiền rất lớn ra mua một tài sản mà xác định 50 năm sau mình sẽ không còn được sở hữu nữa. Đó là chưa kể, về mặt tâm lý, người Việt thường mong muốn có chút tài sản (thường là nhà, đất, kim loại quý, ngoại tệ mạnh...) để lại cho con cháu. Nếu chỉ sở hữu 50 năm, chẳng phải khi đến tay con cháu thì giá trị sở hữu cũng không còn?

Trên thực tế, nếu nhất định quy định sở hữu chung cư chỉ có thời hạn, sức hấp dẫn của nhà chung cư sẽ giảm đi rất nhiều, bởi hiện tại giá nhà chung cư, ví dụ như tại Hà Nội đã ở mức 2 - 5 tỷ đồng/căn, không chênh lệch quá nhiều so với nhà mặt đất cùng khu vực. Thế nhưng, khi mua nhà mặt đất, người dân được sở hữu vĩnh viễn đối với tài sản trên đất, trừ phi rơi vào quy hoạch.

Dự thảo quy định quyền sở hữu chỉ chấm dứt khi chung cư bị phá dỡ, chứ không phải hết hạn sử dụng là chấm dứt

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Xây dựng cũng có nhiều lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình, xuất phát từ thực tế cải tạo chung cư cũ (nhà tập thể cũ) đang vướng mắc. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết “dự thảo quy định quyền sở hữu chỉ chấm dứt khi chung cư bị phá dỡ, chứ không phải hết hạn sử dụng là chấm dứt”. Ban soạn thảo sẽ rà soát, quy định rõ hơn để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và mục tiêu cải tạo chung cư cũ.

Thực tế cho thấy, không chỉ người dân, mà ngay cả các chuyên gia và phần lớn thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không tán thành với đề xuất này. Ví dụ như ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng: quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư là can thiệp đến quyền sở hữu, tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

Còn PGS.TS Đặng Minh Tuấn, Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết các nước chủ yếu điều chỉnh các khía cạnh về chuẩn mực tối thiểu nhà ở, nhà ở xã hội và hỗ trợ nhóm yếu thế về nhà ở; hoặc kiểm soát mua bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà.

Để gỡ vướng trong cải tạo chung cư cũ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý, có thể phân loại chất lượng, điều kiện khác nhau như vì lý do bất khả kháng (thiên tại, hoả hoạn) hoặc xuống cấp nguy hiểm…. từ đó quy định tháo dỡ một phần, một toà hoặc cả khu chung cư, như cách mà Hà Nội và một số địa phương đang làm.

Việc Bộ Xây dựng mới đây tiếp thu và đề xuất không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư do lo ngại tác động lớn tới xã hội là một hướng giải quyết đúng./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận