Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng 4,5% trong quý I, hơn gấp đôi mức tăng trưởng quý IV/2022.
Đây là kết quả của việc mở cửa trở lại kích thích người dân tiêu dùng cũng như việc chính phủ Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tăng trưởng xuất khẩu bất ngờ trong tháng 3. Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF kỳ vọng nếu tăng trưởng 5,2%, Trung Quốc sẽ đóng góp khoảng một phần ba tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay.
Khảo sát nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global cho biết sản lượng sản xuất và dịch vụ của Mỹ đều tăng tốc trong tháng 4, với PMI tổng hợp đạt 53,5 - mức cao nhất kể từ tháng 5/2022. PMI châu Âu đạt 54,4 trong tháng 4 - cao nhất 11 tháng qua, tăng từ mức 53,7 trong tháng 3. Mặc dù vậy, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn phát đi tín hiệu có thể tăng lãi suất cơ bản vào tháng 5.
Những thông số trên cho thấy mặc dù kinh tế thế giới đã có những bước khởi sắc, nhưng chưa bền vững, trong đó nhiều yếu tố còn có thể ảnh hưởng không tích cực đến kinh tế Việt Nam.
Mở cửa sau Covid sớm hơn Trung Quốc, Việt Nam đã được hưởng lợi đáng kể giai đoạn đầu. Tuy nhiên từ cuối năm 2022 đến đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế có phần chững lại. Một số ngành hàng xuất khẩu giảm tốc do thiếu đơn hàng, giải ngân đầu tư công chậm. Ngành còn nhiều dư địa nhất là du lịch bởi sau khi Chính phủ đề xuất Quốc hội phê chuẩn những giải pháp gỡ khó, trong đó có vấn đề visa, du lịch được kỳ vọng sẽ thu hút được khách quốc tế đến với Việt Nam.
Một trong những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa thể phục hồi hoàn toàn sau đại dịch thì đã vấp ngay tình trạng thiếu đơn hàng, đồng nghĩa với thiếu việc làm và nguồn thu. Trong khi đó, do áp lực toàn cầu, Ngân hàng nhà nước đã vài lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, kéo theo hoạt động tăng lãi suất của các ngân hàng thương mại, khiến doanh nghiệp khó chồng thêm khó. Tăng lãi suất cũng khiến cho tiền đổ vào nền kinh tế sẽ ít đi, thị trường chứng khoán sau một năm suy yếu khó có lực đẩy để tăng trưởng trở lại.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, lần thứ hai trong vòng ba năm, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02 cho phép các ngân hàng cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với một số khách vay, tối đa 12 tháng. Điều kiện áp dụng là các khách hàng gặp khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng khó trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp và cả nền kinh tế trông đợi nhất vẫn là Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định được lãi suất và các cơ quan quản lý gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Chỉ có vậy, doanh nghiệp mới có thể yên tâm sản xuất kinh doanh, và thị trường vốn huy động được nguồn tiền nhàn rỗi trong dân thông qua kênh chứng khoán và trái phiếu./.