Doanh nghiệp cần giữ được cái căn bản để vượt lên chính mình

4 tháng 2023, cả nước có 77.000 doanh nghiệp dừng hoạt động, dường như DN Việt đang kiệt sức. Doanh nhân Hứa Tất Đạt - CEO Left Brain Connector có góc nhìn khác

Năm 2006, tôi có viết một bài về “dự báo” sự phát triển kinh tế ở Việt Nam và những điều doanh nghiệp Việt cần suy nghĩ  tầm nhìn 2035. Ngày đó, có nhiều người cho rằng tôi "chém gió". Song, hôm Tết vừa rồi, có một người nhắc về bài viết của tôi và hỏi: sao ngày đó tôi lại có thể biết được những gì sẽ xảy ra hôm nay? Mọi quy luật phát triển đều đúng. Chỉ có chúng ta cố tình làm sai, nên chúng ta phải chấp nhận sự thật – thất bại!

Năm đó, tôi đã nói đến, ngoài các chỉ số phát triển theo chu kỳ 5 năm, 10 năm, 20 năm,… thì có chỉ rõ, với quy luật phát triển chung, Việt Nam sẽ tiến theo một đường thẳng khá nhẹ nhàng, đến 2020 thì nền kinh tế sẽ “bắt buộc suy thoái” để tạo đà cho một chu kỳ phát triển mới. Trong Trong chu kỳ mới này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với một sự cạnh tranh mới: Cạnh tranh với chính bản thân mình - ở đó, việc đạt các tiêu chuẩn quốc tế (toàn cầu) là một thách thức lớn. Do vậy, nếu như doanh nghiệp nào muốn nói đến phát triển bền vững, thì phải bắt đầu xây dựng quỹ dự phòng “tái cấu trúc công nghệ” từ nhiều năm trước. Song, thực tế một phần không nhỏ của nền kinh tế dựa vào động lực tăng trưởng duy nhất: bất động sản.

Có vẻ như các chủ doanh nghiệp thấy rằng: việc đầu tư cho sản phẩm mới, cho dây chuyền công nghệ mới,…để có chuẩn A, chuẩn B, cùng tư duy phát triển bền vững là điều gì đó “quá xa xỉ”… Bởi, mọi đầu tư cũng chỉ mang về mỗi năm 15% - 20% lợi nhuận thông thường. Trong khi đó, nếu họ tham gia thị trường bất động sản, đôi khi chỉ trong một năm, họ có thể kiếm 60% - 70% lợi nhuận trên dòng tiền họ có.

Cái “dễ” đó đã khiến cho doanh nghiệp đánh mất cái “căn bản” (basic) của mình. Ít ai quan tâm đến những giá trị đích thực, những giá trị căn bản nhất giúp hình thành nên doanh nghiệp và đế chế kinh doanh của họ.

Trong quản trị học có câu nói gần như là “tiên đề” cho mọi doanh nghiệp: “khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, điều duy nhất doanh nghiệp cần làm là quay trở về với những gì căn bản của mình” (Let’s come back to basic). Một bộ phận doanh nghiệp Việt ngày nay đã đi xa đến mức bây giờ nói với họ: “Let’s come back to basic”, thì họ sẽ không xác định được đâu là nơi để quay về?

Sự kiệt sức chính là đây. Khi doanh nghiệp “rời xa” hệ giá trị cốt lõi (những điều căn bản nhất giúp doanh nghiệp thành công), để chạy theo lợi nhuận tức thời - thường lợi nhuận đó đến từ những hoạt động bên ngoài hệ giá trị của doanh nghiệp - thì đương nhiên, lòng tham sẽ nổi lên, và sự xa rời cứ thế kéo họ đi. Đi vô định thì sẽ kiệt sức thôi, ai cứu được bây giờ?

Có một số người nói là do chính sách của nhà nước. Nhưng Nhà nước định hướng cái tổng thể chứ không can thiệp vào việc doanh nghiệp phải làm gì để có lợi nhuận.

Nhiều doanh nhân sau khi “trắng tay” thường trách móc thể chế tài chính không cho họ giàu hơn nữa, họ trách nhà nước không “cởi mở” chính sách để họ tiếp tục “trục lợi” và kiếm tiền… Thế nhưng, khi nói với họ: “Let’s come back to basic” thì họ chỉ còn biết thở dài: còn chỗ nào mà quay về?!

Khởi nghiệp (kiến nghiệp, chứ không phải là start-up) không phải là một việc dễ, cho nên đừng để ảo giác đánh lừa mình. Khởi được nghiệp rồi thì nên giữ nó. Giữ bằng cách chừa cho mình con đường để trở lại. Đó chính là tính tự chịu trách nhiệm của bản thân đối với xã hội về “sự khởi nghiệp” của mình.

Cơ hội kinh doanh ở Việt Nam không thiếu, nhưng nếu vẫn cứ còn mãi giữ cái tư duy ăn xổi ở thì, chộp giật bằng mọi giá… thì khó mà lớn được. Làm ăn với quy mô lớn hay nhỏ không quan trọng. Quan trọng là có đủ năng lực để tạo ra giá trị cho bản thân, cộng đồng và xã hội./.

Bình luận

    Chưa có bình luận