Thị trường chứng khoán đang ổn định dần dần

Từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển nóng với hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới.

 

Từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển nóng với hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới, gấp rưỡi tổng số tài khoản được mở mới 4 năm 2017 - 2020. Tính tới cuối năm 2021, cả nước có hơn 4,3 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước, tương đương khoảng 4,4% dân số.

Năm 2021, VN-Index tăng gần 395 điểm (tăng 36%), mức vốn hóa hơn 7,7 triệu tỉ đồng, tăng 46% so với 2020 và tương đương gần 123% GDP năm 2020.

Đó là câu chuyện của năm 2021, khi "nhà nhà chơi chứng, người người đánh chứng", và cũng là khi mà các chiêu trò của "đội lái" đã thao túng nhiều hoạt động trên thị trường chứng khoán, đến mức có không ít mã cổ phiếu liên tiếp tăng trần hàng tháng trời, rồi "sập sàn" chỉ trong chớp mắt.

Bắt Trịnh Văn Quyết và đồng bọn chính là "phát súng" thanh lọc thị trường tài chính. Cùng với chấn chỉnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng được cơ quan chức năng siết lại để làm rõ các hoạt động tài chính không minh bạch, vi phạm pháp luật.

Xét ở một khía cạnh nào đó, nhà đầu tư cá nhân có thể hưởng lợi trước mắt từ các hoạt động thao túng chứng khoán nếu đón đúng điểm rơi. Thế nhưng, chỉ cần "bắt dao rơi" sai điểm, nhà đầu tư sẽ mua đỉnh bán đáy đối với một mã chứng khoán không có tiềm lực thực chất - điều mà nhiều người đã gặp phải.

VN-Index ngày 28/6/2023 gần quay lại ngưỡng 1.140 điểm

Tình trạng thao túng đã biến thị trường chứng khoán từ kinh doanh minh bạch và góp phần tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp, trở thành một sân chơi riêng của một nhóm lợi ích. Đồng thời biến nhà đầu tư cá nhân từ chịu khó tìm hiểu về ngành hàng và doanh nghiệp mình muốn đầu tư sang cách chỉ săn những mã "có lái". Bởi vậy, khi những vụ án thao túng thị trường chứng khoán tại FLC, Louis Holding bị khởi tố, xét xử, nhà đầu tư đều rụt rè không dám tiếp tục đổ tiền vào cổ phiếu. Đó chính là lý do năm 2022 và cả đầu năm 2023 thị trường chứng khoán lao dốc, có thời điểm VN-Index chỉ còn hơn 860 điểm.

Tuy nhiên, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã có niềm tin trở lại. Đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước 4 lần hạ lãi suất điều hành, kéo theo lãi suất huy động giảm khiến gửi tiết kiệm không còn là kênh giữ tiền hấp dẫn. Dòng tiền bắt đầu quay lại thị trường chứng khoán, thanh khoản từ đầu tháng 6 đến giờ dao động từ 12.000 tỉ đồng đến 23.000 tỉ đồng, trong đó có 2 phiên thanh khoản đạt gần 1 triệu USD (gần 24.000 tỉ đồng). Chỉ số VN-Index cũng vượt ngưỡng 1.100 điểm.

Cuối tháng 3/2023, quy mô tài khoản giao dịch lần đầu vượt mức 7,03 triệu, tương đương khoảng 7% dân số, vượt xa mục tiêu có 5% dân số đầu tư chứng khoán vào năm 2025 trong đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm.

Nhà đầu tư cá nhân trong nước giờ đã hướng dần tới chuyên nghiệp khi quan tâm hơn đến các phân tích vĩ mô, đánh giá ngành hàng và sức khỏe thực tế của doanh nghiệp được công bố tại các Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, TPHCM... Thị trường đang chờ đợi những tín hiệu khả quan trong báo cáo tài chính quý 2/2023 sẽ được công bố nay mai, cũng như tác động tích cực từ chính sách vĩ mô của Chính phủ và từ kinh tế toàn cầu. Đây là những yếu tố giúp thị trường tăng trưởng như kỳ vọng của nhà đầu tư./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận