Ngân hàng cho vay vốn tự có vượt ngưỡng

Kết luận mới công bố của Thanh tra Chính phủ cho thấy, giai đoạn 2013-2017, một số ngân hàng thương mại có sai phạm về cho vay.

 

Kết luận mới công bố của Thanh tra Chính phủ cho thấy, giai đoạn 2013-2017, một số ngân hàng thương mại có sai phạm về cho vay. Cụ thể là theo quy định, một khách hàng chỉ được vay tối đa 15% vốn tự có của một tổ chức tín dụng, nhưng ở một số ngân hàng có tình trạng cho vay tập trung một khách hàng, một dự án thông qua các khách hàng độc lập để tránh vi phạm quy định, cho vay để góp vốn vào các công ty con, mua lại phần vốn góp của các cổ đông công ty sở hữu dự án.

Đáng chú ý là một số khách hàng chậm trả gốc, lãi, phương án cơ cấu nợ không khả thi nhưng không bị chuyển nợ quá hạn, nợ xấu đúng quy định.

Tiêu biểu là ngân hàng Sacombank đã cho 9 doanh nghiệp vay với dư nợ bằng 48,52% vốn tự có của ngân hàng, lên tới 9.262 tỷ đồng. Số doanh nghiệp trên vay vốn rồi nhận chuyển nhượng và đầu tư vào cùng một dự án - dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An. Ngân hàng chỉ thẩm định năng lực tài chính với khách hàng vay vốn thay vì đơn vị thực hiện dự án, dẫn tới tiềm ẩn rủi ro cho ngân hàng. Khi thanh tra, dự án đang khó khăn về pháp lý đất đai, làm tăng chi phí lãi vay, ảnh hưởng chất lượng tín dụng, kết quả kinh doanh của Sacombank.

Dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An

Sacombank còn cho Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức vay vốn để mua 62% phần vốn góp và thế chấp bằng chính phần vốn góp của doanh nghiệp này trong 3 năm. Bản chất việc cấp tín dụng này tương tự việc cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.

Ngoài Sacombank, Thanh tra Chính phủ gọi tên một số ngân hàng khác cũng cho vay quá 15% vốn tự có, giải ngân khi chưa hoàn tất điều kiện chuyển nhượng và khi thỏa thuận nguyên tắc đã hết hiệu lực, phê duyệt cho vay khi dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý, chủ đầu tư không đủ điều kiện thực hiện dự án... như Techcombank, BacABank, NCB, VietABank...

Mặc dù, theo phản ánh của Ngân hàng Techcombank, các khoản vay được Thanh tra Chính phủ kết luận đến nay đã không còn dư nợ tại ngân hàng, nhưng kết luận của Thanh tra Chính phủ đã khiến người gửi tiền phải băn khoăn. Vốn tự có, hay vốn chủ sở hữu là nguồn vốn do ngân hàng thương mại tạo lập được, chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn hoạt động nhưng có tính chất quyết định đến sự hình thành và tồn tại của ngân hàng. Nếu như ngân hàng thương mại mang vốn tự có ra cho vay với hạn mức vượt quá quy định sẽ làm giảm độ an toàn của hoạt động ngân hàng. Nếu khoản vay đó trở thành nợ xấu, nợ khó đòi hay khách hàng vay vốn mất khả năng thanh toán thì hoạt động của ngân hàng sẽ ra sao?

Điều may mắn là cho đến thời điểm này chưa ngân hàng nào rơi vào tình huống như vậy, nhưng không có nghĩa là sẽ không xảy ra. Do đó, bên cạnh việc nới lỏng các điều kiện tín dụng để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn với nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, thì Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường thanh tra kiểm tra để hạn chế tình trạng ngân hàng thương mại "lách luật", cho vay sai quy định, làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và độ an toàn trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận