Thông tin VinFast (mã chứng khoán VFS) ngày 15/8/2023 lên sàn Nasdaq Mỹ - một trong những sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới - gần như trở thành động lực chính để thị trường chứng khoán Việt tăng trưởng trong nửa tháng vừa qua. Mặc dù, VinFast lên Nasdaq với tư cách pháp nhân là VinFast Singapore, song điều đó không ngăn cản cổ phiếu của Tập đoàn VinGroup (mã VIC) cùng hai cổ phiếu khác thuộc “họ nhà Vin” là VHM (Vinhomes) và VRE (Vincom Retails) liên tục tăng giá và nhiều phiên tăng trần, kéo nhóm ngành bất động sản tăng trưởng tích cực, làm trụ đỡ cho cả thị trường. Không có gì đáng ngạc nhiên, bởi đây là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên có cổ phiếu được niêm yết trên sàn quốc tế. Trước đó, Covico đã đăng ký niêm yết trên Nasdaq nhưng không thành công. Sự kiện này mở ra cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam “vươn ra biển lớn".
Do vị thế đó nên khi VFS trên Nasdaq giảm giá liên tục 3 phiên sau phiên đầu tiên tăng giá tới 68%, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm điểm mạnh với 4 cặp số kép 11, 77, 99, 55 “gây sốc” như nhiều nhà đầu tư cá nhân nói vui (VN-Index phiên 18/8/2023 chỉ còn 1.177,99 điểm, giảm 55 điểm so với phiên trước) với hơn 260 mã cổ phiếu giảm xuống mức giá sàn, dù thanh khoản trên cả 3 sàn đạt mức kỷ lục 46.000 tỷ đồng sau 23 năm thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động.
Dĩ nhiên, VFS giảm giá không phải là nguyên nhân duy nhất khiến thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm, mà nguyên nhân cơ bản vẫn là sau một chặng đường dài tăng điểm mạnh (hay còn gọi là uptrend), thị trường chứng khoán phải có nhịp điều chỉnh, và nhịp này có thể kéo dài hàng tuần lễ, rồi tiếp tục cán đích mà nhiều người đã từng dự báo trước đó là 1.300 điểm vào cuối năm nay. Tuy nhiên, việc VFS giảm giá chính là cú hích khiến cho quá trình lao dốc của VN-Index tăng tốc.
Về lâu dài, thị trường không bao giờ chỉ trông chờ vào một cổ phiếu duy nhất để tăng giảm - nhất là cổ phiếu đó không niêm yết trên sàn. Tính đến thời điểm này, khi VFS mới giao dịch được hơn một tuần thì giá cổ phiếu và vốn hóa của VinFast chưa thực sự có nhiều ý nghĩa, bởi mới chỉ có khoảng 0,19% cổ phiếu VinFast được quyền giao dịch. Cần chờ đợi đến khi các cổ phiếu VinFast do Vingroup nắm giữ được phép giao dịch, đặc biệt là khi VinFast huy động được vốn từ các nhà đầu tư, lúc đó sự tồn tại của VinFast ở thị trường chứng khoán quốc tế khắc nghiệt sẽ là động lực để các doanh nghiệp khác nỗ lực.
Có nhiều cách để doanh nghiệp Việt “vươn ra biển lớn”, nhưng cách thức khó khăn nhất sẽ là tham gia được vào thị trường tài chính quốc tế với tư cách doanh nghiệp phát hành. Cách thức này đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực thực sự về tài chính, về công nghệ, về nền tảng sản xuất kinh doanh - dịch vụ, về quản trị, về tính minh bạch… Nếu thành công, đây là cách thức mang lại hiệu quả cao nhất mà doanh nghiệp Việt cần tính đến./.