Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tiếp xúc. Mua bán qua mạng (hay còn gọi là mua bán online) phát triển mạnh. Tiếp đó, việc phát triển mã QR pay ở các ngân hàng đã khiến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trở nên thuận tiện và đơn giản hơn rất nhiều, nhất là khi việc chuyển khoản online được nhiều ngân hàng miễn phí. Đến bây giờ, dù mua con cá, mớ rau hay thậm chí cốc nước trà, người ta đều sẵn sàng quét mã - việc mà trước đó dù mất công mất tiền để tuyên truyền vận động vẫn không mấy thành công.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn giữ thói quen cất trữ và tiêu dùng tiền mặt, nhất là với số tiền lớn. Những thông tin như bị hack (tấn công) tài khoản, rồi tiền tỷ gửi tiết kiệm "không cánh mà bay", hay chuyển khoản nhầm không đòi lại được... đã khiến không phải ai cũng mặn mà với phương thức tiêu dùng mới. Đồng thời, khi nhiều người lựa chọn mua bán online thì có thể làm ngừng trệ hoạt động mua bán trực tiếp, trong khi tiền thuê cửa hàng quá cao, dẫn tới mặt bằng kinh doanh bị trả lại khi người thuê không lo đủ chi phí.
Còn một hạn chế nữa khi phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đó là khó thu thuế của người bán hàng online. Đa số người bán hàng trên mạng xã hội đều dặn khách khi chuyển khoản mua hàng chỉ cần ghi tên Facebook của người mua, không cần ghi rõ nội dung chuyển tiền là mua hàng gì để tránh bị đánh thuế. Trong khi đó, theo cơ quan thuế, doanh số từ bán hàng online rất lớn. Có người bán hàng online sau khi bị cơ quan thuế truy thu đã phải nộp tới hàng tỷ đồng.
Hiện nay, Tổng cục Thuế vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài để hỗ trợ họ đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam. Đã có 57 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử, trong đó có các tên tuổi lớn như Google, Apple, Facebook, Netflix, TikTok, Microsoft... Đối với người kinh doanh trong nước, Cổng thông tin thương mại điện tử là nơi tiếp nhận thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Căn cứ trên cơ sở dữ liệu của các sàn và cơ sở dữ liệu quản lý của cơ quan thuế, năm 2022, tổng số thu thương mại điện tử từ các tổ chức, cá nhân Việt Nam đạt mức 716 tỷ đồng, gấp gần 3 lần số thu năm 2021; 5 tháng đầu năm 2023 đạt mức 246 tỷ đồng, gần bằng cả năm 2021.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh và mạnh của thương mại điện tử, các quy định pháp lý khó đuổi kịp, gây ra không ít khó khăn trong công tác quản lý thuế. Do đó, điều quan trọng là ngoài các biện pháp nghiệp vụ, hiện đại hóa công nghệ, phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng để theo dõi dòng tiền... cần có phương thức tuyên truyền hiệu quả để người bán nhận thức được việc cần thiết phải nộp thuế khi kinh doanh thương mại điện tử, người mua không vô tình tiếp tay cho hành vi gian lận thuế./.