Doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thách thức lớn đối với nền kinh tế

Báo cáo tài chính quý 3/2023 mà nhiều doanh nghiệp dệt may vừa công bố cho thấy, doanh thu sụt giảm mạnh bởi thiếu đơn hàng.

 

Báo cáo tài chính quý 3/2023 mà nhiều doanh nghiệp dệt may vừa công bố cho thấy, doanh thu sụt giảm mạnh bởi thiếu đơn hàng. Cụ thể, Garmex Sài Gòn (mã GMC) - một doanh nghiệp xuất khẩu dệt may có tiếng ở TPHCM - doanh thu hợp nhất quý 3 vỏn vẹn 73 triệu đồng. Đây là quý thứ 5 liên tiếp GMC kinh doanh khó khăn mà nguyên nhân là "công ty không có đơn hàng" (như lời Tổng giám đốc công ty), con số 73 triệu đồng doanh thu kia được ghi nhận từ hoạt động dịch vụ. Trong khi đó, giá thuê đất tăng làm tăng chi phí khiến GMC tiếp tục lỗ gần 11 tỉ đồng. Đáng nói nhất là nếu so với số lao động của năm 2021 thì số lao động hiện nay của GMC chỉ còn chưa đầy 1% (37 người so với mức gần 3.800 người của cuối năm 2021).

Đơn hàng đã ít, giá bán sản phẩm dệt may và nguyên phụ liệu made in Việt Nam còn sụt giảm mạnh - đây là điều xảy ra với Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã STK) trong quý 3/2023. Dù doanh thu của STK vẫn đạt con số dương và bằng khoảng 73% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dương và giảm gần 67% nhưng giá bán hàng bình quân trong quý 3 thấp hơn so với cùng kỳ, đồng thời khách hàng cũng giảm quy mô đơn hàng.

Doanh thu và giá bán sản phẩm dệt may xuất khẩu giảm là do kinh tế toàn cầu chịu nhiều sức ép từ các cuộc xung đột chính trị khi chưa thực sự phục hồi sau đại dịch Covid-19, dẫn tới người dân trên toàn thế giới cắt giảm chi tiêu. Thực trạng thiếu đơn hàng không chỉ xảy ra với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may mà với nhiều ngành xuất khẩu khác theo từng thời điểm trong khoảng hơn nửa năm nay. Trong đó có chè, hạt tiêu, dầu thô, xăng dầu, hóa chất, gỗ và sản phẩm gỗ, nguyên phụ liệu dệt may - da giày, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị và phụ tùng khác. Ở thời điểm hiện tại, ngành dệt may và nguyên phụ liệu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trước đó là ngành thủy sản và một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản.

Có doanh nghiệp số lao động chỉ còn chưa đầy 1% so với 2021

Mặc dù theo con số thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2023 ước đạt 32,31 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước nhưng tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Không có đơn hàng, doanh nghiệp không có nhu cầu nhập khẩu trang thiết bị, nguyên phụ liệu nữa, dẫn tới tính chung 10 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 24,61 tỷ USD (gấp khoảng 2 lần rưỡi so với cùng kỳ năm trước).

Xuất khẩu là một trong ba trụ cột chính của nền kinh tế, và đã từng có thời điểm xuất khẩu "gánh" một phần lớn động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay đang không tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Do đó, để tồn tại, doanh nghiệp phải giải bài toán về quản trị, chuyển đổi và tính toán giải pháp đầu tư để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động của doanh nghiệp./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận