Tại lễ tổng kết ngành công thương mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đặt câu hỏi: Trong thời gian tới, nếu lựa chọn ngành công nghiệp bán dẫn, chúng ta có phân biệt được, tiếp cận được và hiểu được ngành công nghiệp này để nắm bắt từng khâu, chuỗi giá trị ở trong đó để lựa chọn đầu tư? Hay nói đến công nghiệp bán dẫn rồi cuối cùng cũng chỉ là gia công như sản xuất giày dép và may mặc?
Đây là một thực tế mà sau gần 40 năm đổi mới, rồi hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đã nhìn ra, đã ghi nhận, nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa thực sự có giải pháp hữu hiệu để xử lý.
Nguyên nhân cơ bản là thiếu nền công nghiệp hỗ trợ đủ lớn, đủ mạnh để có thể chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Chỉ nhìn từ ngành công nghiệp ít phức tạp nhất, sử dụng nhiều lao động nhất là ngành dệt may - da giày thì đã thấy 11 tháng năm 2023, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may da giày đạt gần 22 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu dệt may, da giày trong thời gian này chỉ đạt gần 49 tỷ USD.
Theo một nghiên cứu của nước ngoài, chi phí cho sản xuất, gia công một mặt hàng ở Bangladesh chỉ chiếm 0,6% tổng giá trị sản phẩm, 50% chi phí dành cho khâu phân phối và 30% là thương hiệu. Thực trạng này có lẽ cũng không khác nhiều so với hoạt động gia công xuất khẩu ở Việt Nam. Nó cho thấy một thực tế, để nâng cao giá trị thì phải làm chủ được công nghệ, tham gia chuỗi phân phối hoặc gây dựng được thương hiệu mang tính toàn cầu.
Nhìn lại những nỗ lực phát triển công nghiệp trước đây có thể thấy chiến lược phát triển công nghiệp ôtô đến thời điểm này là không thành công, các nhà máy sản xuất ôtô trong nước chủ yếu là lắp ráp, gia công. Tỷ lệ nội địa hóa tuy thống kê rất cao, nhưng thực chất doanh nghiệp trong nước chỉ tham gia ở những khâu đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, hàng rào thuế quan không còn nữa, hãng xe đang có nhà máy tại Việt Nam chủ yếu nhập khẩu ôtô nguyên chiếc về bán, công nghiệp ôtô càng trở nên èo uột.
Ngành công nghiệp xe máy tuy có khá hơn với việc nhiều doanh nghiệp trong nước sản xuất xe máy tham gia được vào thị trường ở từng giai đoạn nhất định, nhưng sự tham gia của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa nhiều.
Bức tranh đó đòi hỏi chúng ta cần tư duy lại về hoạt động thu hút đầu tư, định hướng lại phương thức phát triển công nghiệp. Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, thay đổi cần bắt nguồn từ sự đổi mới tư duy, quan điểm, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể ở đây là Bộ Công Thương, để từ đó dẫn dắt kinh tế tuần hoàn và ngành năng lượng từ nâu sang xanh. Không đổi mới sẽ không tận dụng được xu thế hội nhập.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng ngành công thương am hiểu về kỹ thuật, có thể cung cấp đầu vào làm cơ sở để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán chính sách thu hút đầu tư cho đất nước, giúp Chính phủ hoạch định chính sách hội nhập, thể chế hóa, đảm bảo tính thống nhất và tiêu chuẩn hóa sản phẩm, tránh những hàng rào kỹ thuật phi thuế quan.../.