Sản phẩm nào của quốc gia?

Một du khách Việt Nam đến Australia, khi được dặn mua quà cho người thân, gõ Google tìm kiếm và ra được khoảng 10 sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của quốc gia này.

 

Một du khách Việt Nam đến Australia, khi được dặn mua quà cho người thân, đã gõ Google tìm kiếm và ra được khoảng 10 sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của quốc gia này, trong đó có những sản phẩm nếu không quan tâm chắc ít ai để ý, như thớt long não hay lá bạch đàn mạ vàng... Đó là 1 trong 10 sản phẩm tiêu biểu ngày ngày mang doanh thu về cho quốc gia Úc châu này.

Thớt long não - một trong 10 món quà đặc trưng của Australia mà du khách nước ngoài được giới thiệu

 

Lá bạch đàn rất sẵn ở Việt Nam, nhưng...không được mạ vàng

Thế nhưng, nếu bây giờ hỏi 100 triệu dân Việt Nam xem sản phẩm nào mang đậm nét đặc trưng của văn hóa, truyền thống, kinh tế và con người Việt Nam, câu trả lời chắc sẽ không đồng nhất. Có thể người này nhắc áo dài, người kia nhắc nón, người khác nữa sẽ nói đến hàng thủ công mỹ nghệ... Chúng ta chưa có quan điểm nhất quán trong việc xây dựng sản phẩm đặc trưng tiêu biểu quốc gia, để có thể giới thiệu mỗi lần có quan khách nước ngoài ghé thăm, hay du khách khám phá đất nước. Bởi vậy, với du khách nước ngoài đi tự do hoặc đi theo tour, việc mua gì, bán gì đều mang tính tự phát hoặc do hướng dẫn viên đưa đi, ý nghĩa văn hóa tạo nên nét đặc trưng quốc gia không cao. Có chuyện một du khách nước ngoài đã mua cả vàng mã dự định mang về làm quà sau khi du lịch Việt Nam.

 

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xác định xuất khẩu tại chỗ thông qua kênh du lịch, một nguồn thu không thể thiếu. Vì thế, sản phẩm đặc trưng quốc gia đều mang trong mình một câu chuyện về quốc gia đó, khiến người mua - du khách nước ngoài - chỉ cần nhìn vào sản phẩm là có thể giới thiệu với bạn bè, người thân chưa có cơ hội tham quan về quốc gia mình đã đi qua, đặc trưng văn hóa, đời sống, con người và phần nào đó cả sự phát triển kinh tế. Nhiều nước còn đầu tư xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm đặc trưng, song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, để du khách đến và quay trở lại nhiều lần, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP.

Việt Nam không thiếu những sản phẩm thủ công mỹ nghệ xinh xắn, dễ mua, dễ bảo quản

Theo Niên giám thống kế 2022, chi tiêu bình quân của khách quốc tế tại Việt Nam vào năm 2019 tính trên một lượt khách dẫn đầu là Philippines với 2.257,8 USD/người; tiếp theo có Bỉ 1.995,3 USD; Mỹ 1.709,7 USD; Úc 1.416,5 USD... Tiền thuê phòng chiếm nhiều nhất, trung bình 347,2 USD (30,1%). Kế đến là ăn uống 21,9%; đi lại 16%. Chi phí cho mua sắm chỉ đạt khoảng 142,7 USD (12,4%). Con số này là quá thấp nếu so với các nước trong khu vực. Tại Thái Lan, mua sắm chiếm khoảng 50 - 55% tổng chi tiêu của du khách nước ngoài, còn tại Singapore khoảng 20 - 25% cơ cấu chi tiêu của du khách.

Như vậy, bất cập đối với du lịch Việt Nam không phải chỉ là phải tiêu tốn một lượng tiền quá lớn cho lưu trú, ăn uống, đi lại, mà còn thiếu những sản phẩm mang đặc trưng quốc gia đủ hấp dẫn du khách tiêu tiền. Quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua du lịch là con đường ngắn gọn và hiệu quả. Quan trọng là chúng ta có chú tâm khai thác được con đường đó hay không?

 

Ảnh: internet

 

Bình luận

    Chưa có bình luận