Năm 2024, dân số của nước ta đã đạt mức hơn 100 triệu người, để đảm bảo cuộc sống cho hàng chục triệu gia đình hiện nay thì hoạt động mua bán trên thị trường vô cùng sôi động và lượng hàng hóa giao dịch khổng lồ được diễn ra hàng ngày. Doanh số bán lẻ mấy năm gần đây đạt mức trên 100 tỷ USD, tổng mức tiêu dùng cuối cùng của xã hội hàng năm bình quân khoảng 70% GDP. Các phương thức mua bán trực tiếp và trên các nền tảng số ngày càng phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân 12 -15%/năm.
Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024. Luật đã bổ sung một số điều quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng. Cụ thể là: Tăng thêm quyền lực và nghĩa vụ của người tiêu dùng; Bổ sung trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh đối với người tiêu dùng; Quy định về nhiệm vụ của các tổ chức chính trị xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với việc thi hành luật; Thêm những hành vi bị nghiêm cấm làm thiệt hại quyền lợi người tiêu dùng,...
Tuy nhiên, muốn việc thực thi hiệu quả thực chất hơn cần chú ý một số giải pháp như thống kê, điều tra, nghiên cứu các vi phạm phổ biến, gây ảnh hưởng rộng trong xã hội, xử lý cần nâng mức cao hơn để mang tính răn đe.Cần nâng cao vai trò vai trò trách nhiệm, trình độ quản lý xã hội của các lực lượng chuyên môn được phân công trong lĩnh vực này; xây dựng đội ngũ thi hành công vụ trong sạch, vững mạnh, chú ý tạo điều kiện vật chất để hoạt động và không vi phạm chức trách được phân công. Cần tăng cường công tác kiểm định chất lượng hàng hóa từ gốc, các danh mục hàng hóa có nguy cơ cao cho người tiêu dùng; công khai việc tiếp người tiêu dùng với thủ tục đơn giản, thuận tiện, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo một cách thường xuyên liên tục và hiệu quả. Để luật được thực thi hiệu quả cũng cần coi trọng và tham gia việc thực hiện các thỏa thuận song phương và đa phương, các điều ước quốc tế về bảo vệ người tiêu dùng; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, thông tin, tiếp nhận các nguồn lực kĩ thuật của các nước và các tổ chức quốc tế và sử dụng một cách hiệu quả; tăng cường hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế nhằm bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tạo niềm tin của các nước đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; đặc biệt là cần chú ý tới việc điều chỉnh các mối quan hệ mua bán với tính chất phức tạp, khó quản lý và lượng giao dịch hàng ngày rất lớn trên thị trường nội địa.
Bảo vệ người tiêu dùng còn bao gồm những công việc như nâng cấp hạ tầng phân phối, vận chuyển kho dự trữ, bảo quản, tạo ra một quỹ hàng hoá an toàn và chất lượng, ngày càng được nâng cao hơn để đưa ra thị trường.Bảo vệ người tiêu dùng phải được làm sớm ngay từ gốc, tức là phải quản lý chất lượng từ lúc nhập khẩu và quản lý quy trình sản xuất hàng hoá ở trong nước.Việc kiểm tra, kiểm soát trên thị trường luôn luôn có sự phối hợp giữa các lực lượng để hỗ trợ nhau một cách hiệu quả./.