Nền kinh tế cần được thẩm thấu chính sách

2 tháng đầu năm 2024 có 63.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong khi đến hết tháng 2.2024 tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023.

 

Tình trạng các cửa hàng mặt tiền đóng cửa hàng loạt với thông báo cho thuê lại tưởng chỉ diễn ra trong giai đoạn đại dịch Covid-19 - khi mọi hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ - giờ đây lại xuất hiện trên các con phố lớn nhỏ ở Thủ đô và nhiều đô thị khác. Điều đó cho thấy một thực tế đáng buồn là nhiều người kinh doanh, doanh nghiệp không thể cầm cự được trước những khó khăn của nền kinh tế. Các con số thông kê cho thấy 2 tháng đầu năm 2024 có 63.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 29/02/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023.

Nếu như doanh nghiệp thiếu đơn hàng xuất khẩu, thì các cửa hàng cũng thiếu đơn hàng tiêu thụ trong nước. Sự phát triển của mạng xã hội và các phần mềm, trang thương mại điện tử đã khiến việc thuê cửa hàng với chi phí đắt đỏ (chi phí thuê cửa hàng, đầu tư cho gian hàng, nhân công, các khoản thuế phí khác…) không còn là lựa chọn phù hợp với người kinh doanh trong giai đoạn khó khăn này. Bán hàng online là kênh duy nhất hoặc chí ít cũng là kênh chủ lực để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của nhiều cửa hàng, doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp, chủ kinh doanh trả mặt bằng (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, việc này cũng dẫn tới một số bất cập. Trước hết là sự mất an toàn của người tiêu dùng khi mua phải hàng hóa trên mạng không có sự kiểm soát về chất lượng, hạn sử dụng, tính thực chất… Trong đó, đáng chú ý nhất là tình trạng lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo sai sự thật, điển hình như quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng có tác dụng chữa bệnh mà Báo Tiếng nói Việt Nam liên tiếp đề cập gần đây. Cùng với đó là nguy cơ thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử khi bùng phát nhiều nhà kinh doanh nhỏ lẻ trên mạng xã hội. Năm 2023, số thu từ thương mại điện tử đối với các tổ chức, cá nhân trong nước đạt 536,5 tỷ đồng. Cơ quan thuế cũng truy thu, xử lý vi phạm khoảng 275 tỷ đồng từ 179 doanh nghiệp và 1.061 cá nhân kinh doanh trên sàn... Nhưng con số này chưa phản ánh đầy đủ thực chất hoạt động kinh doanh online, và rất nhiều người đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trốn thuế, việc mà nếu kinh doanh trực tiếp sẽ khó làm hơn nhiều, ví dụ như đề nghị khách khi chuyển khoản không ghi nội dung là mua hàng hay hạn chế giao dịch thông qua ngân hàng…

Dịch bệnh, xung đột địa chính trị, những bất ổn kinh tế trên thế giới đang tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước. Vì vậy, ngay từ những nghị quyết đầu tiên của năm 2024, Chính phủ đã xác định nhiều giải pháp quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời yêu cầu kịp thời xử lý những bất ổn, tồn đọng có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế như giải pháp đối với thị trường vàng hay thị trường bất động sản. Các nghị quyết đó cần được các cơ quan thực thi sớm triển khai vào cuộc sống, để nền kinh tế thẩm thấu chính sách và thoát khỏi giai đoạn khó khăn này./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận