Một tháng trước, giá vàng miếng SJC dù tăng phi mã vẫn đang dừng ở mức 84 triệu đồng/lượng, còn đến 20/5/2024, giá vàng miếng SJC đã vượt mốc 91 triệu đồng lượng. Giá vàng tăng mạnh đương nhiên do ảnh hưởng của giá thế giới khi giá vàng giao ngay đã đạt hơn 2.440 USD/ounce. Tuy nhiên, sự bất ổn nằm ở mức độ chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và giá thế giới khi giá vàng thế giới quy đổi cùng thời điểm (chưa tính thuế, phí...) thường thấp hơn giá vàng trong nước 15 - 20 triệu đồng/lượng, sau các phiên đấu thầu vàng, độ chênh này giảm còn khoảng 11 - 12 triệu đồng/lượng.
Nguyên nhân thì ai cũng biết: khi cầu vượt cung, hàng hóa khan hiếm, không có nguồn đầu vào, giá đương nhiên phải tăng. Còn vì sao không có nguồn cung thì ai cũng rõ nốt: đã hàng chục năm nay không nhập khẩu vàng theo đường chính ngạch, và 12 năm nay chỉ vàng miếng SJC được độc quyền trên thị trường với tư cách thương hiệu vàng quốc gia.
Những thành công và hạn chế của Nghị định 24/2012 về hoạt động kinh doanh vàng cũng được bàn lên bàn xuống ở rất nhiều hội nghị, hội thảo, trên báo chí, cả trên nghị trường Quốc hội. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Chính phủ đưa ra rất nhiều chỉ đạo nhằm ổn định thị trường vàng, tránh đầu cơ, trục lợi, chống buôn lậu vàng... Thế nhưng, kết quả đạt được chưa bao nhiêu. Trái lại, càng thanh tra, kiểm tra, càng rà soát... giá vàng càng tăng phi mã, như thách thức hiệu lực quản lý nhà nước. Giải pháp được cho là có tác dụng "hạ nhiệt" thị trường vàng là đấu thầu vàng miếng cũng không phát huy được tác dụng, khi có tới 35.000 lượng vàng miếng được đưa ra đấu thầu sau 8 phiên (trong đó có 5 phiên tổ chức thành công) nhưng hình như chưa đủ để giải "cơn khát" vàng miếng trên thị trường.
Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh hiện tại, tiếp tục duy trì độc quyền Nhà nước về kinh doanh vàng miếng và nhập khẩu vàng liệu có thực sự mang lại lợi ích cho quốc gia, người dân và doanh nghiệp?
Xét từ góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - doanh nghiệp đã xây dựng nên thương hiệu SJC nhiều năm trước, chiếm gần 97% giao dịch trên thị trường thời điểm banh hành Nghị định 24/2012 - đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng, bởi trên thực tế, doanh nghiệp không được hưởng lợi gì từ chính sách này. Kể từ khi thực hiện Nghị định 24/2012, doanh nghiệp này không còn được tham gia nhập khẩu hay dập vàng miếng nữa, khuôn dập được giao về Ngân hàng Nhà nước quản lý, doanh nghiệp chỉ được dập lại vàng móp. Còn các doanh nghiệp khác đang kinh doanh vàng miếng một cách bình thường với thương hiệu riêng cũng hoàn toàn bị ngừng trệ.
Đối với lợi ích quốc gia, việc không nhập khẩu chính ngạch dẫn tới nhập lậu vàng tăng mạnh, nguồn ngoại tệ dự trữ trong dân bị tuồn ra ngoài không ít, trong khi Nhà nước thất thu thuế. Với người dân có tiền mua vàng thì phải chịu mua giá cao hơn rất nhiều so với giá thế giới. Còn những người không có nhu cầu mua vàng cũng đang cảm thấy bất ổn khi thu nhập thực tế bỗng bị sụt giảm nghiêm trọng nếu so sánh với giá vàng./.