Nền kinh tế có những dấu hiệu tích cực

Việt Nam lần đầu có tháng nhập siêu sau gần 2 năm. Lần gần nhất cán cân thương mại hàng hóa ghi nhận nhập siêu là tháng 5/2022, ở mức 2,02 tỷ USD.

 

Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả năm 2023 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) những tháng đầu năm 2024 được trình bày tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV cho thấy những điểm sáng tích cực. Cụ thể là tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức cao trên thế giới và khu vực. Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,25%, mặt bằng lãi suất giảm. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 1,75 triệu tỷ đồng, vượt 8,2%.

Chỉ tính riêng quý 1/2024, tăng trưởng GDP đạt 5,66% cho thấy nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 73,2%; FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây...

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 32,81 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, nhập khẩu tăng tốc nhanh hơn, đến 29,9% so với cùng kỳ, ước đạt 33,81 tỷ USD. Kết quả, Việt Nam lần đầu có tháng nhập siêu sau gần 2 năm. Lần gần nhất cán cân thương mại hàng hóa ghi nhận nhập siêu là tháng 5/2022, ở mức 2,02 tỷ USD.

Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất. (Ảnh: Minh Hạnh)

Tổng cục Thống kê nhận định: "Nhập siêu do nhập khẩu thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng mạnh là chỉ báo cho thấy sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi tích cực hơn trong thời gian tới". Những con số cụ thể cho thấy một số mặt hàng phục vụ gia công, sản xuất có giá trị nhập khẩu tăng cao như điện thoại và linh kiện (55,1%); sắt thép (50,1%); điện tử, máy tính và linh kiện (39,3%); xăng dầu (34,6%); nguyên phụ liệu dệt, may, giày, dép (33,7%); chất dẻo (31,4%).

Tuy nhiên, vẫn chỉ có thể coi những chuyển biến trong kinh tế cuối năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024 là những dấu hiệu "le lói", chưa thực sự bền vững. Bởi lẽ, vẫn còn đó 86.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 4 tháng đầu năm 2024. Còn đó cảnh các ngôi nhà mặt tiền vốn được cho thuê với giá rất cao để làm mặt bằng kinh doanh, giờ đây đóng cửa im ỉm do người kinh doanh không thể chịu được chi phí kinh doanh trong bối cảnh khó khăn hiện nay...

Diễn biến không thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cùng những bất ổn trên thị trường vàng tới mức Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện biện pháp bán vàng "bình ổn giá"... khiến người dân và nhà đầu tư cá nhân lo lắng, trong khi đó thị trường chứng khoán chưa thể lấy lại đà tăng tích cực, dù thời hạn cho việc thăng hạng thị trường ngày càng đến gần.

Những yếu tố này đang đòi hỏi các cơ quan hoạch định chính sách bám sát thực tiễn, nhu cầu của doanh nghiệp, của người dân để ban hành những quyết sách tài chính, tiền tệ, tài khóa linh hoạt và cụ thể nhằm biến những điểm sáng le lói thực sự trở thành vầng sáng tăng trưởng./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận