Còn dư địa cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15%

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết 24/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,5% so với cuối năm 2023, mức tăng tiền gửi thấp nhất trong nhiều năm qua

 

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến hết 24/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,5% so với cuối năm 2023, mức tăng tiền gửi thấp nhất trong nhiều năm qua. Mức tăng trưởng dư nợ tín dụng chỉ ở mức 4,45%.

Một tháng qua, lãi suất huy động được điều chỉnh theo chiều hướng tăng, cá biệt có ngân hàng tăng tới 1,7%, một số ngân hàng áp mức lãi suất từ 5% trở lên. Tuy nhiên, từng đó chưa đủ để cân bằng lại với lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác như vàng hoặc USD, đặc biệt là mức tăng “vô tiền khoáng hậu” và có thể chưa có điểm dừng của vàng, do đó chưa thể hấp dẫn người dân mang tiền nhàn rỗi ra gửi tiết kiệm.

Các ngân hàng cũng không thể đẩy mức lãi suất huy động lên quá cao, khi đầu ra chưa tăng trưởng tốt. Dư nợ tín dụng của nền kinh tế đạt trên 14,17 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 4,45% so với đầu năm, thấp hơn so với mục tiêu được Chính phủ đặt ra cho quý 2 năm nay là 5 - 6%, cả năm khoảng 15 - 16%.

Còn dư địa cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% - 15%

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch điều chuyển chỉ tiêu của những ngân hàng tăng trưởng tín dụng không đạt sang những ngân hàng có khả năng phát triển tín dụng, nhưng theo các chuyên gia, vướng mắc lớn nhất vẫn là nhu cầu vay của doanh nghiệp và cá nhân đều thấp.

Các khoản vay liên quan đến bất động sản - chiếm tỷ trọng lớn trong mảng bán lẻ của ngân hàng - vẫn ảm đạm do thị trường bất động sản rất trầm lắng. Thị trường đã tạo nên mặt bằng giá mới khi những căn hộ có giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 hầu như không còn, trong khi giá căn hộ phân khúc trung bình tăng chóng mặt, lên tới 50 - 60 triệu đồng/m2. Thực trạng này khiến người có nhu cầu nhà ở thực sự khó tiếp cận, nên càng không có nhu cầu vay mua nhà, bất chấp lãi suất cho vay đã xuống mức thấp kỷ lục. Như vậy, việc điều chỉnh lãi suất cho vay hoặc lãi suất huy động đều không có nhiều ý nghĩa với cả đầu vào và đầu ra của hệ thống ngân hàng.

 

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), những bất cập kéo dài của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động tiêu cực đến hoạt động tín dụng, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế. Do đó, cơ quan điều hành nên tiếp tục tập trung vào việc duy trì ổn định tài chính, cải thiện chất lượng tài sản và tránh tăng trưởng tín dụng quá mức với chất lượng thấp.

Tuy nhiên, Fiin Rating có cái nhìn tích cực hơn về sản xuất khi phân chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng qua ước tăng 6,8% so với cùng kỳ 2023, nhập siêu quay lại sau gần 2 năm ở mức một tỷ USD, tăng chủ yếu ở nhóm các mặt hàng tư liệu sản xuất, cho thấy dấu hiệu phục hồi của các ngành sản xuất. Đây là những yếu tố giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 5 tiếp tục tăng trưởng cả về số đợt và giá trị. FiinRatings kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15% cả năm của ngân hàng có thể hoàn thành./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận