Thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 cho thấy: tăng trưởng GDP quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024 là rất tích cực, đặc biệt trong quý 2. Kết quả này mở ra kỳ vọng tăng trưởng cuối năm 2024 sẽ tốt đẹp hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ 2 kịch bản phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành những tháng cuối năm 2024. Theo đó, kịch bản cơ sở là tăng trưởng cả năm đạt 6,5%. Đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi. Ở kịch bản cao, dự kiến tăng trưởng cả năm đạt 7% (quý 3 tăng 7,4%, quý 4 tăng 7,6%). Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị với Chính phủ đạt mục tiêu phấn đấu cao hơn 7% để có những chỉ đạo quyết liệt hơn, hướng đến mục tiêu này.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 6 yếu tố tạo nên tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2024. Đó là xu hướng tăng trưởng tích cực của khu vực và thế giới; Động lực để đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI, đều tăng trưởng tích cực; Các động lực về xuất khẩu đã phục hồi và tỉ lệ doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu tăng lên nhanh chóng, trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn về phí vận tải và tuyến vận tải đường biển; Du lịch phục hồi khá mạnh mẽ với số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đông hơn và có thể hướng tới kỳ vọng năm nay khách du lịch đạt hơn 10 triệu khách; 3 luật liên quan đến đất đai, bất động sản có hiệu lực sẽ tác động rất lớn đến thị trường bất động sản, có thể mang đến tín hiệu khởi sắc 6 tháng cuối năm, tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ rất quyết liệt và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đặt biệt 4 địa phương là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, phải quyết liệt hơn nữa trong việc thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng.
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đăng ký của 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 15,2 tỷ USD; trong đó, FDI đăng ký mới là hơn 9,5 tỷ USD, tăng 46,9%. Điều đó có nghĩa là năng lực sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế và cơ hội việc làm gia tăng. Dòng vốn trong nước cũng đang sẵn sàng cho các nhu cầu vốn khôi phục sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, việc điều hành thị trường vàng sau hơn nửa năm "gập ghềnh" đã có kết quả tích cực khi giá vàng trong nước giảm và giá vàng miếng không còn chênh lệch so với vàng nhẫn cũng như giá vàng thế giới. Cách thức điều hành này giúp lấy lại lòng tin cho người dân, khiến họ bớt tâm lý đổ xô mua vàng chờ giá lên. Cùng với đó là hàng loạt động thái siết chặt quản lý thị trường vàng như thanh tra, kiểm tra các điểm mua bán vàng, xử phạt những hành vi mua bán tại các điểm kinh doanh vàng không có giấy phép... khiến "cơn sốt vàng" dần dần hạ nhiệt, không còn tác động tiêu cực đến kinh tế.
Thị trường chứng khoán đang dần lấy lại mốc 1.300 điểm đã từng có năm 2023 và 13 năm trước đó - 2010. Thị trường chứng khoán tăng điểm nhờ dòng tiền đang quay trở lại khi nền kinh tế có chuyển biến tích cực hơn./.