Theo thông tin từ các ngân hàng, tiếp tục xu hướng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm, trong tháng qua đã có thêm 20 ngân hàng tăng lãi suất 0,1 đến 0,9%. Mức lãi suất cao nhất trong hệ thông đã lên 5,9 - 6% một năm, đa số thuộc nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ. Các ngân hàng tăng mạnh lãi suất có Eximbank, SeABank, NCB, BaoVietBank, VietABank, PGBank... Lãi suất tiết kiệm của SeABank tăng mạnh 0,5 - 0,6% so với tháng trước, khiến ngân hàng này đang niêm yết lãi suất cao nhất hệ thống với lãi suất tiền gửi 12 tháng lên 5,9% một năm, 13 tháng lãi suất 6% một năm. Ngoài ra các ngân hàng còn triển khai một số chương trình khuyến mãi để thu hút dòng tiền của khách hàng bán lẻ.
Cần nhắc lại, tính đến 24/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 1,5% so với cuối năm 2023. Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Do đó, việc ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm để tăng lợi thế khi nguồn vốn đang bị hút vào những kênh đầu tư khác như vàng và ngoại tệ cũng là điều dễ hiểu.
Lãi suất huy động của các ngân hàng tăng gần đây cho thấy nền kinh tế bắt đầu có những chuyển biến tích cực khiến dư nợ tín dụng tăng mạnh, đến hết tháng 6 tăng khoảng 6% so với đầu năm, đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng.
Nhu cầu vốn vay nửa cuối năm nhiều khả năng tăng nhờ sản xuất có tín hiệu phục hồi khi các thị trường nhập khẩu có chuyển biến tích cực giúp xuất khẩu tăng trở lại. Về lâu dài, nửa cuối năm nay và thời gian tới, mảng thị trường quan trọng bậc nhất với các ngân hàng là tín dụng bất động sản, trong đó có đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản của các ngân hàng thương mại, cũng sẽ hội phục khi các vướng mắc về mặt pháp lý được tháo gỡ từng bước và ba luật quan trọng liên quan đến lĩnh vực này là Luật Đất đai 2023, Luật Bất động sản và Luật Kinh doanh nhà ở có hiệu lực từ 1/8/2024.
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, việc tăng lãi suất tiền gửi cũng cho thấy hiệu quả thẩm thấu của các chính sách đối với thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng. Những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong quản lý thị trường vàng và việc kinh doanh vàng miếng đã làm dịu “cơn khát” đối với vàng, giảm được tâm lý “mua vàng bằng mọi giá” với kỳ vọng sinh lời cao của những người có vốn nhàn rỗi, từ đó tránh áp lực lên mặt bằng giá cả hàng hóa thiết yếu. Tất nhiên, giá vàng trong nước còn phụ thuộc vào giá thế giới và tỷ giá ngoại tệ, không dễ khống chế nếu thị trường thế giới còn biến động, nhưng dù sao sự bất an cũng giảm đáng kể.
Điều đáng chú ý là tuy lãi suất huy động được điều chỉnh tăng dần dần, nhưng không gây ra phản ứng quá tiêu cực đối với thị trường chứng khoán. Thị trường tuần này tuy có tăng, có giảm, có “xanh tươi” và “đỏ lửa”, nhưng không quá gay gắt, vẫn giữ ở mức xấp xỉ 1270 - 1280 điểm và kỳ vọng sớm lấy lại mốc 1300 điểm của tháng trước./.