Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của cả nước đến hết tháng 7 đạt 32,22% tổng kế hoạch, đạt 34,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Chính vì vậy, Thủ tướng và các thành viên của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương tập trung cao độ nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong giải ngân đầu tư công. Trên tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", Thủ tướng yêu cầu tìm mọi biện pháp để tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công, đẩy mạnh hoạt động giải ngân vốn đầu tư công. Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ giải ngân được trên 95% số vốn đầu tư công đã phân bổ. Thủ tướng nhấn mạnh vốn đầu tư công là của Nhà nước, của nhân dân, phải sử dụng hiệu quả nhất, không chậm trễ, không lãng phí. Các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh thành nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Ngành giao thông vận tải, UBND thành phố Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam là các đơn vị dẫn đầu có số giải ngân tuyệt đối cao với những nỗ lực trong xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia như đường dây 500kV mạch 3 hay sân bay Long Thành. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, nhiệm vụ tổng quát có liên quan đến các công trình, dự án trọng điểm quốc gia là phải thúc đẩy nhanh tiến độ, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vì tổng vốn đầu tư dành cho các công trình giao thông toàn quốc năm 2024 là rất lớn, khoảng 200.000 tỷ đồng. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần xác định tinh thần: phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Đặc biệt phát động đợt thi đua cao điểm 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc, đảm bảo hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025.
Mặc dù vậy, theo phản ánh của nhiều địa phương, trong đó có TPHCM, địa phương có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn 50% mức bình quân chung cả nước và cũng thấp hơn 50% so với chỉ tiêu đặt ra của TPHCM thì có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Trong đó, đáng chú ý là có sự điều chỉnh của Luật Đất đai, nên để giảm thiểu khiếu nại sau này, các địa phương chờ hướng dẫn để thực hiện tốt hơn. Ngoài ra, còn những khó khăn kéo dài nhiều năm mà vẫn chưa được giải quyết triệt để như việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư... Một số dự án vẫn có khó khăn, vướng mắc liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu; khó khăn trong nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng. Đối với các dự án sử dụng vốn ODA lại bị vướng do thủ tục hành chính...
Mọi vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, bởi lẽ, đầu tư công là một trong ba động lực chính của tăng trưởng, và trong giai đoạn hiện nay, đầu tư công góp phần tạo động lực tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các địa phương.