14/15 chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt, tăng trưởng không phải từ đất đai

Cơn bão Yagi gây thiệt hại cho nền kinh tế trên 81.000 tỷ đồng, đối mặt với khó khăn trong nước và quốc tế, Việt Nam vẫn đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng

 

Cơn bão Yagi gây thiệt hại cho nền kinh tế trên 81.000 tỷ đồng, tác động tới hoạt động kinh tế tại 21 địa phương chiếm trên 40% GDP, làm GDP năm 2024 giảm khoảng 0,15%. Trong bối cảnh đó, đối mặt với những khó khăn, thách thức trong nước và quốc tế, Việt Nam vẫn đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng.

Đánh giá Báo cáo của Chính phủ về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại Phiên họp 38 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ “Quốc hội và nhân dân rất vui mừng”, nhất là khi tăng trưởng nhờ xuất khẩu và sản xuất công nghiệp phát triển mạnh mẽ, đặc biệt ngành chế tạo… chứ không phải từ đất đai.

Tăng trưởng không phải từ đất đai

Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định “đánh giá rất cao” Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo bộ, ngành hết sức nỗ lực, có chỉ đạo quyết liệt, ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân sau 3 năm không đạt. Tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, bội chi NSNN được kiểm soát, nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cho phép. Tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt khoảng 6,8 - 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra, thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới, và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Du lịch năm 2024 đã quay về mức đỉnh của năm 2019, trước đại dịch Covid-19, cả về lượng khách (quốc tế, nội địa) và doanh thu. Các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược, quan trọng tiếp tục được tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư. Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ.

Du lịch trở về mức năm 2019, trước đại dịch Covid-19

Đây là kết quả chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội và sự điều hành linh hoạt của Chính phủ với những chính sách thiết thực, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn hàng loạt hạn chế, khó khăn cần đối diện: ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong các ngành công nghệ cao chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tạo đột phá về năng suất; các ngành, lĩnh vực mới nổi chưa thực sự chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới nếu không có cơ chế, chính sách đột phá…

Thị trường bất động sản cần phát triển đúng hướng để trở thành động lực tăng trưởng

Ngoài ra còn những khó khăn khác như việc EU đã ban hành cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, bắt đầu có hiệu lực toàn bộ từ năm 2026. Tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi từ 15 đến 28 cao gấp 3 lần so với tỷ lệ chung, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng 21,5% so với cùng kỳ và cao nhất trong 7 năm. Đó là những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế. Tình trạng giải ngân đầu tư công chậm, chỉ đạt 55,7% kế hoạch, có địa phương mới được dưới 10%, cũng là lực cản tăng trưởng. Công tác điều hành tiền tệ, công tác quản lý các thị trường hàng hóa đặc biệt như thị trường bất động sản, vàng, chứng khoán cần có những giải pháp hiệu quả, bền vững để đảm bảo không bị “chảy máu” nguồn lực phục vụ tăng trưởng./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận