Tăng trưởng xanh từ việc nhỏ đến chính sách phù hợp

Đón đầu cơ hội tăng trưởng xanh mang lại, các chính sách phát triển cần được ban hành kịp thời, đồng bộ và phù hợp để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực.

 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 44/CT-TTg về triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Chỉ thị nêu rõ những hạn chế khiến tăng trưởng xanh chưa thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế. Trong đó, Thủ tướng chỉ ra thực trạng thiếu chính sách ưu đãi, đầu tư mang tính đột phá là nguyên nhân chính khiến chưa tạo được môi trường thuận lợi để huy động, thu hút nguồn lực cho tăng trưởng xanh.

Kinh tế xanh, tăng trưởng xanh không còn là một khái niệm mơ hồ nữa mà thực sự trở thành yêu cầu bức thiết đối với tăng trưởng

Một trong những vấn đề được Thủ tướng đặc biệt lưu tâm là hoàn thiện chính sách ưu đãi về tài chính, khuyến khích đầu tư vào các dự án xanh để thu hút các doanh nghiệp. Theo đó, vai trò của Bộ Tài chính trong ban hành chính sách; Bộ Tài nguyên và Môi trường trong ban hành tiêu chí môi trường và xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; cùng với vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong tập trung nguồn lực cho tín dụng xanh là đặc biệt quan trọng. Thực tế cho thấy, 9 tháng năm 2024, dư nợ tín dụng xanh đạt 664.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng hơn 7% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, để tiếp cận tài chính xanh cần rất nhiều sản phẩm tài chính đặc thù phục vụ tăng trưởng xanh với những tiêu chí rõ ràng, phù hợp thông lệ quốc tế.

Như vậy, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh không còn là một khái niệm mơ hồ nữa mà thực sự trở thành yêu cầu bức thiết đối với tăng trưởng, và tác động mạnh đến tư duy quản lý, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Những cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế tại các kỳ Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) ngày càng đa dạng, chặt chẽ và yêu cầu cao hơn. Cùng với đó, thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam đang phát triển những bước đầu tiên hứa hẹn có thể mang lại lợi ích trước mắt và lâu dài cho các hợp phần tham gia.

Bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, giảm phát thải carbon đang mang lại nguồn lợi ngay lập tức cho địa phương và doanh nghiệp

Thực tế cho thấy, việc quan tâm đến bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, giảm phát thải carbon đang mang lại nguồn lợi ngay lập tức cho địa phương và doanh nghiệp thông qua tiết kiệm chi phí hoặc tăng sức cạnh tranh khi đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí phục vụ tăng trưởng xanh. Ví dụ như ở Hà Nội, chỉ riêng việc thí điểm phân loại rác thải từ nguồn trong 6 tháng cuối năm tại 5 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Nam Từ Liêm đã giúp thành phố tiết kiệm hàng tỷ đồng. Con số cụ thể được Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) nêu ra cho thấy, khi phân loại từ nguồn, riêng phí vận chuyển lượng rác tái chế thu gom được tới nơi xử lý, quận Hoàn Kiếm giúp thành phố tiết kiệm khoảng 2,5 triệu đồng mỗi ngày. Cộng với khoản tiết kiệm khoảng 1 triệu đồng cho xử lý 1,6 tấn chất thải cồng kềnh tại nguồn, riêng việc thu gom rác tái chế và cồng kềnh của quận Hoàn Kiếm tiết kiệm cho thành phố cả tỷ đồng mỗi năm.

Điều quan trọng, để đón đầu các cơ hội do tăng trưởng xanh mang lại, các chính sách phát triển cần được ban hành kịp thời, đồng bộ và phù hợp để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn phục vụ đầu tư tăng trưởng xanh./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận