Trung tâm tài chính quốc tế tạo động lực để phát triển

Cần xây dựng thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) thành trung tâm tài chính toàn cầu

 

Trước đại dịch Covid-19, một quan điểm được nhiều chuyên gia và định chế tài chính quốc tế tại Việt Nam đề xuất: Cần xây dựng thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) thành trung tâm tài chính toàn cầu. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng khá. Đến năm 2050, Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nền kinh tế lớn nào cũng có các thành phố được coi là trung tâm tài chính chịu trách nhiệm trung gian giữa các khoản tiết kiệm và nguồn đầu tư. Với tư cách là trung tâm tài chính hàng đầu của Việt Nam, TP.HCM sẽ có được nhiều cơ hội từ sự tăng trưởng của quốc gia.

Khát vọng hình thành các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực đang dần hiện thực hóa. Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và trung tâm tài chính khu vực ở Đà Nẵng. Tại cuộc họp bàn về vấn đề này ngày 17/12 mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho rằng, việc xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế là quyết sách chính trị lớn, nhằm chuẩn bị cho “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; tạo cơ chế, nguồn lực mới và là cú hích mạnh cho nền kinh tế”.

Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và trung tâm tài chính khu vực ở Đà Nẵng

Tháng 10/2023, Chính phủ đã lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban. Theo dự thảo TP.HCM đưa ra đầu năm 2022, lộ trình triển khai trung tâm tài chính quốc tế theo 3 giai đoạn đến năm 2030. Mô hình trung tâm tài chính gồm thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn, hàng hóa phái sinh, tập trung vào phát triển Fintech, ngân hàng số và giao dịch tài chính số; hội nhập khu vực cho trung tâm tài chính; phát triển khu tài chính - thương mại Thủ Thiêm và thị trường hàng hóa. Đà Nẵng cũng đã chuẩn bị quỹ đất cũng như các chính sách đặc thù về thuế, hạ tầng để đón nhà đầu tư.

Còn trong mắt các chuyên gia quốc tế, Việt Nam có quá nhiều điểm khác biệt để thu hút các nhà tài chính quốc tế. Nhưng Việt Nam vẫn thiếu đội ngũ nhân viên ngân hàng, luật sư, kế toán có năng lực chuyên nghiệp và có kỹ năng tiếng Anh. Đồng thời điểm nghẽn về thể chế, khung pháp lý vẫn là lực cản.

Trong mắt các chuyên gia quốc tế, Việt Nam có quá nhiều điểm khác biệt để thu hút các nhà tài chính quốc tế

Do đó, Việt Nam cần quan tâm đến cơ sở hạ tầng thị trường, hoạt động thương mại và đầu tư. Về chính sách tiền tệ, các nhà đầu tư muốn làm việc ở một thị trường có thể dự đoán được cũng như biết cách thức hợp tác của ngân hàng trung ương. Sự linh hoạt của tỷ giá hối đoái, lãi suất liên ngân hàng, biện pháp kiểm soát lạm phát… đều xuất phát từ khả năng dự đoán của chính sách tiền tệ.

Việc thực hiện hiệp ước hành động tài chính dựa theo các khuyến nghị về chống rửa tiền và chống khủng bố tài chính là điều quan trọng bởi một số thành phố đang cố gắng trở thành trung tâm tài chính toàn cầu bộc lộ những điểm yếu trong kiểm soát sai phạm tài chính. Đồng thời, Việt Nam cần xác định nên ưu tiên lĩnh vực tài chính nào trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư hiện nay chủ yếu từ Trung Quốc và ASEAN cũng đã có những trung tâm tài chính lớn như Bangkok và Singapore./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận