Chuyện giá điện cho xe điện!

Đâu là phương án tối ưu cho giá điện tại các trạm sạc công cộng?

 

Bộ Công thương vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại các trạm sạc công cộng với  3 phương án: 1 là áp theo giá kinh doanh; 2 là giá dựa trên chi phí sản xuất điện mà trạm/trụ điện gây ra cho hệ thống điện; 3 là áp theo biểu giá điện sản xuất. Vậy phương án nào sẽ là hợp lý nhất?

Nếu nhìn từ định hướng khuyến khích thúc đẩy chuyển đổi xanh, hiện thực hóa mục tiêu Net Zero năm 2050 của Chính phủ, việc người dân và các doanh nghiệp dịch vụ sử dụng ô tô sử dụng năng lượng điện làm phương tiện di chuyển và chuyên chở chính là một xu thế tích cực, góp phần quan trọng trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu mà Chính phủ ta đã cam kết thực hiện tại Hội nghị thượng đỉnh Khí hậu trong khuôn khổ COP26 tại Glasgow, Anh hồi tháng 11/2021.

Nhìn ra các nước xung khác trên thế giới, đây cũng là một kinh nghiệm thực tế mà nhiều nước đang áp dụng. Tại Trung Quốc - nước có số lượng xe ô tô điện lớn nhất thế giới, giá sạc điện tại trạm công cộng được tính theo giá điện công nghiệp (thấp hơn giá điện kinh doanh). Tại Mỹ, giá điện cho trạm sạc trung bình khoảng 0,13 USD/kWh, tương đương 3.217 đồng/kWh, thấp hơn nhiều giá điện bán lẻ sinh hoạt. Trọng khối Asean, Thái Lan đang triển khai cơ chế giá điện ưu đãi cho trạm sạc với 2,9162 Baht/kWh (hơn 2.000 đồng/kWh), một số địa phương còn đưa ra mức thấp hơn, chỉ 2,162 Baht/kWh (hơn 1.500 đồng/kWh). Indonesia cũng đang áp dụng cách tính giá điện cho hệ thống sạc thấp hơn giá điện thông thường…

Đối với ngành giao thông vận tải ở nước ta, xu thế dịch chuyển sử dụng ô tô điện đang diễn ra khá mạnh mẽ. Mấu chốt của nó nằm ở chỗ, chi phí nhiên liệu đầu vào của xe điện thấp hơn nhiều so với xe sử dụng năng lượng hóa thạch – thứ vốn luôn phải chịu sự biến động khách quan từ thị trường thế giới, do xăng dầu hiện tại vẫn phải nhập khẩu. Việc phải nhập khẩu xăng dầu ngày càng lớn để đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cũng đồng thời gây ảnh hưởng đến tỷ lệ xuất siêu của quốc gia, lãng phí dự trữ ngoại tệ.

Cũng giống như các ngành sản xuất kinh doanh khác, điện là yếu tố đầu vào quan trọng đối với ngành giao thông vận tải. Nếu giá xăng dầu biến động sẽ tác động trực tiếp tới việc ổn định kinh tế vĩ mô thì giá điện cũng như vậy. Sự kiểm soát và hỗ trợ từ Chính phủ về năng lượng điện (thứ mà chúng ta đang tự sản xuất được) rõ ràng là một chiến lược quan trọng.

Có thể thấy rằng, các trạm sạc cũng giống như các trạm xăng dầu, đều là nơi trung chuyển, cung cấp nhiên liệu đầu vào cho toàn bộ các phương tiện di chuyển và vận tải trong nước. Nếu như trong nhiều năm trước đây, việc xăng dầu được trợ giá để an sinh xã hội, thức đẩy kinh tế phát triển thì hiện tại, việc hỗ trợ cho giá điện tại các trạm sạc cũng là điều cần thiết, vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa thúc đẩy chuyển đổi xanh. Cần phải coi giá điện tại trạm sạc cũng giống như giá điện phục vụ sản xuất. Bên cạnh cơ chế hợp lý về giá điện, Việt Nam chung ta cũng cần những chính sách dài hạn để khuyến khích người dân dần sử dụng các phương tiện ít phát thải ra môi trường, đặc biệt là với các phương tiện vận tải công cộng.

Xu thế chuyển đổi xanh, lựa chọn những phương tiện ít phát thải hoặc không phát thải ra môi trường, rõ rành là một tín hiệu tích cực năm làm giảm các tác động nặng nề về môi trường mà nhiều nước đã hoặc đang trên đà phát triển đều vướng phải. Sự đồng thuận từ Chính phủ tới doanh nghiệp trong nỗ lực giảm phát thải, hạn chế ô nhiễm môi trường để con cháu chúng ta không phải trả giá cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước hiện tại là điều cần làm và cần làm ngay. Còn làm thế nào và làm ra sao? Có lẽ đội ngũ những chuyên gia tư vấn Chính phủ là những người rõ hơn ai hết.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận