Đúng như Bí thư Thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro đã từng phát biểu trong buổi lễ chuyển giao chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba (2/2008) rằng: Fidel là Fidel! Không ai ở Cuba có thể thay thế được Fidel. Sự nghiệp của người sẽ còn sống mãi đối với mọi thế hệ cách mạng Cuba.
Quả thực, cuộc đời của lãnh tụ Fidel luôn gắn với nhưng thiên anh hùng ca bất diệt, những chặng đường vẻ vang của cách mạng Cuba. Fidel xuất thân trong một gia đình đại điền chủ ở làng Biran, thị trấn Maiari tỉnh Oriente, nhưng sự nghiệp của người lại được hướng theo một con đường khác với xuất phát điểm của mình: Con đường của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Jose Marti.
Lãnh đạo dân tộc Cuba làm nên cuộc cách mạng Tháng Giêng năm 1959, khai sinh ra nước Cộng hòa Cuba
Năm 1947, ngay từ khi mới 21 tuổi, Fidel đã trở thành nhà lãnh đạo của Liên đoàn sinh viên Cuba. Chàng trai trẻ muốn sang Cộng hòa Dominica chiến đấu chống lại chế độ độc tài Rafael Leonidas Trujillo Molina. Một năm sau, Fidel đã đặt chân lên đất Colombia, đấu tranh chống lại tổ chức các nước Châu Mỹ OEA.
Đến năm 1953, trong Lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Jose Marti, Fidel đã cùng 135 thanh niên yêu nước Cuba mở cuộc tấn công vũ trang vào pháo đài Moncada, một căn cứ quân sự của chế độ độc tài Batista ở tỉnh Santiago De Cuba. Sự kiện này đã dẫn tới sự ra đời của Phong trào 26/7 tiền thân của Đảng Cộng sản Cuba sau này.
Từ sự kiện Moncada, Fidel đã lãnh đạo dân tộc Cuba làm nên cuộc cách mạng Tháng Giêng năm 1959 và khai sinh ra nước Cộng hòa Cuba, quốc gia xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Tây Bán cầu. Sau khi giành được chính quyền, Fidel cùng với các đồng chí thuộc thế hệ lịch sử như: Che Guavara, Raul Castro…đã trở thành những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Cuba, đánh bại mọi sự can thiệp quân sự của Mỹ thông qua sự kiện Vịnh Con Lợn (1961), đưa Cuba vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội và trở thành một điểm sáng ở Mỹ Latinh về giáo dục, y tế, công nghệ sinh học.
Trong giai đoạn 1998-2004, khi Cuba rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng nhất, nhưng dưới sự chèo lái của Fidel, cách mạng Cuba đã vững bước vượt qua thời kỳ “Đặc biệt trong hòa bình” đầy gian khó bằng thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng (tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% trong giai đoạn 2001-2007). Còn các lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội vẫn được đảm bảo miễn phí cho người dân. Nhờ đó, chế độ xã hội chủ nghĩa vẫn được duy trì và giữ vững.
Sau 49 năm lãnh đạo cách mạng, Fidel đã chính thức trao lại các chức vụ lãnh đạo cho Raul Castro, nhưng với tư cách là Cố vấn tối cao của Đảng và Nhà nước Cuba, ông vẫn thường xuyên có những đóng góp quan trọng trong các vấn đề liên quan đến cải cách kinh tế, chủ trương “Cập nhật hóa mô hình kinh tế-xã hội”, đấu tranh chống diễn biến hòa bình và bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Sau 49 năm lãnh đạo cách mạng Cuba, trên ngực ông không có một tấm huy chương.
Sự nghiệp cách mạng và những đóng góp của Fidel đã được Đảng Cộng sản và nhân dân Cuba ghi nhận bằng việc đưa tư tưởng của ông sánh ngang với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Jose Martin tại Đại hội lần thứ VII, Đảng Cộng sản Cuba (4/2016). Nhưng điều giản dị và vĩ đại nhất của Fidel chính là việc sau 49 năm lãnh đạo cách mạng Cuba, trên ngực ông vẫn không có một tấm huy chương. Hình ảnh này rất phù hợp với nhận xét của cố nhà văn người Colombia Gabriel Marquet (người đã từng nhận giải Nobel văn học với tác phẩm “Trăm năm cô đơn”) rằng: Fidel là sức mạnh của dân tộc Cuba. Người đã cho cả thế giới biết đến hòn đảo tự do nhưng bé nhỏ và gan góc ở Tây Bán cầu này.
Đưa Cuba trở thành quốc gia châu Mỹ đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Ngoài những dấu ấn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Cuba, Fidel còn được thế giới biết đến với tư cách là một chiến sỹ cách mạng quốc tế, ngọn cờ đầu trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở các châu lục: Á, Phi, Mỹ Latinh. Phẩm chất chiến sỹ quốc tế này chính là cơ duyên, cầu nối vô cùng quan trọng để Fidel phát triển, củng cố mối quan hệ thân tình với cách mạng Việt Nam, người anh em ở Đông Bán cầu, cách xa Cuba nửa vòng trái đất. Việt Nam đã trở thành tấm gương sáng, niềm tự hào cho cá nhân ông qua chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu (1954), thời điểm mà ông còn đang phải ngồi trong nhà tù của chế độ độc tài Batista.
Tấm gương sáng của Việt Nam và ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ với những tên tuổi như: Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp chính là nền tảng, kim chỉ nam, chất xúc tác vô cùng quan trọng để ngay sau khi cách mạng Cuba thành công, Fidel đã là người đưa Cuba trở thành quốc gia châu Mỹ đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/12/1960) và Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam (22/12/1960), đúng 2 ngày sau khi mặt trận này ra đời.
Tác giả của câu nói bất hủ “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.
Tại sao một đât nước, một đảng cách mạng, một nhà lãnh đạo ở một quốc gia nhỏ bé như Cuba lại quan tâm và gắn bó chặt chẽ với cách mạng Việt Nam ngay từ khi cách mạng Cuba mới thành công và phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách? Câu trả lời của Fidel rất đơn giản là: Cách mạng Cuba và Việt Nam đều có một điểm chung là đấu tranh chống đế quốc, giành độc lập tự do cho các dân tộc cần lao bị áp bức trên thế giới. Nhờ đó, mà trong những năm tháng nhân dân Việt Nam tiến hành sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ, Fidel và Đảng Cộng sản Cuba đã giúp đỡ Việt Nam một cách vô tư, trong sáng dựa trên tinh thần của chủ nghĩa quốc tế cao đẹp. Fidel cũng chính là nhà lãnh đạo đầu tiên và duy nhất trên thế giới đến thăm khu Cồn Tiên dốc miếu, nơi có hàng rào điện tử Mc Namara ngay khi mảnh đất Quảng Trị vừa được giải phóng. Tại đây, vào tháng 9/1973, Fidel đã phát biểu câu nói bất hủ “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Phát biểu này không chỉ là phương châm hành động của mối quan hệ thủy chung trong sáng Việt Nam-Cuba trong quá khứ mà còn cả trong hiện tại và tương lai.
Quán triệt tinh thần này, trong suốt 60 năm qua, ngay cả trong thời điểm mỗi nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thì quan hệ Việt Nam-Cuba vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định thông qua các chuyến thăm thường xuyên của lãnh đạo cấp cao hai nước dựa trên tinh thần của chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Các kênh hợp tác: Ngoại giao Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ vẫn được duy trì và phát triển ổn định. Cả hai Đảng, hai dân tộc vẫn kiên định ủng hộ nhau trong các vấn đề khu vực, quốc tế, nhất là trong việc yêu cầu Mỹ xóa bỏ lệnh cấm vận với Cuba trong suốt 60 năm qua.
Mặc dù, lãnh tụ Fidel đã ra đi, nhưng những nền tảng tư tưởng của ông vẫn luôn sống mãi với cách mạng Cuba và đây chính là những hành trang, kim chỉ nam định hướng giúp cho quan hệ Việt Nam-Cuba trong thời gian tới luôn phát triển theo phương châm “Mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”. Phương châm này cũng rất phù hợp với phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi tiếp Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang Cách mạng Cuba Raul Castro năm 1965 rằng: “Cách mạng Cuba thành công đã nêu cao ngọn cờ bách chiến, bách thắng của chủ nghĩa Mác-Lênin ở Tây bán cầu, đã cổ vũ mạnh mẽ vì độc lập tự do của nhân dân Mỹ Latinh”. Và cũng phù hợp với phát biểu của chính Fidel trong Bộ phim tài liệu lịch sử “Vị Tổng tư lệnh” của đạo diễn lừng danh người Mỹ Oliver Stone (1997) rằng: “Điều hối tiếc trong cuộc đời làm cách mạng của tôi là không được gặp gỡ và hội kiến trực tiếp với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của nhân dân Việt Nam”./.
TS Lộc Thị Thủy- Viện Nghiên cứu Châu Mỹ- Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam