80 năm, từ mùa xuân ấy…

Từ sau mùa Xuân đặc biệt 1941 ấy, cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Người và Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác...

 

Xuân Tân Sửu gõ cửa từng nhà trong những cảm xúc thật đặc biệt của những ngày tháng 2 lịch sử: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng chạm mốc 91 mùa xuân, và còn một dấu mốc không thể nào quên: 80 năm ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mang đến những mùa xuân hòa bình, vui tươi cho dân tộc Việt.

Mùa xuân đặc biệt

Với nhiều sử gia, nhà nghiên cứu, mùa xuân Tân Tỵ 1941 là một mùa xuân đặc biệt. Đặc biệt trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt với dân tộc Việt Nam bởi trước khi có cuộc trở về ngày mùng 2 Tết Tân Tỵ (28/01/1941), cách mạng Việt Nam đang trải qua những tháng ngày chống chếnh. Tháng 9/1940, Nhật nhảy vào Đông Dương. Để tránh nguy cơ cuộc chiến trực diện với phát xít Nhật, ngày 27/9/1940, Hiệp định Pháp - Nhật được ký kết tại Hà Nội, với nội dung: Pháp vẫn được tiếp tục cai trị Đông Dương. Nhân dân ta từ thời điểm đó rơi vào thảm cảnh một cổ hai tròng, bị khủng bố, đàn áp, bóc lột nặng nề. Tình hình bức thiết ở trong nước đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền đặt ra yêu cầu cần sự có mặt của vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam ở trong nước để lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

Bác Hồ về Pác Bó, Cao Bằng (ngày 28/1/1941). Tranh: Trịnh PhòngVới lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đặc biệt bởi đó là mùa xuân đầu tiên Người được trở về đất mẹ sau 3 thập kỷ bôn ba đất khách quê người, với biết bao cuộc trường chinh qua các đại dương và lục địa, với biết bao đổi thay, chuyển biến trong nhận thức, tư tưởng để tìm ra cho được con đường cứu nước cho dân tộc. Cũng phải nói ngay rằng, để có được ngày trở về ấy là bao khó khăn, trắc trở, gian nan, hiểm nguy mà Người và các đồng chí của mình phải vượt qua. Trước đó, theo biên niên sử Hồ Chí Minh, từ ngày 11/11/1924, Bác Hồ từ Moscow (Nga) về Quảng Châu (Trung Quốc) lần đầu. Khoảng thời gian 1925-1927, Người mở lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên yêu nước từ trong nước tới đây với giáo trình là sách “Đường kách mệnh” và thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Do Sở Mật thám Anh truy lùng, Bác phải trở lại Nga. Ngày 25/4/1928, Người được Quốc tế cộng sản cử trở về Đông Dương theo nguyện vọng. Người tới Thái Lan một thời gian rồi về lại Hồng Kông (Trung Quốc), tiến hành thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Năm 1931, Người trở lại Moscow và năm 1938 về lại Quảng Châu. Và phải đến gần 10 năm sau, khi gặp các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp ở Côn Minh từ Việt Nam sang, từ nhận định: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”, Bác cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp tổ chức lớp học và trực tiếp huấn luyện chính trị gần một tháng, rồi cùng các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp và Hoàng Văn Lộc lên đường về nước.

Chuyện kể rằng, ngày 28/1/1941, khi vượt qua mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó (xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng), Bác dừng lại cúi đọc những dòng chữ khắc sâu trên đá rồi đứng lặng hồi lâu hướng tầm mắt nhìn về phía dải đất Tổ quốc điệp trùng. “Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động”, tác giả T.Lan đã viết trong tác phẩm “Vừa đi đường vừa kể chuyện”. “Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất/Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai...” - xúc cảm của Bác hẳn cũng chính là nguồn cảm xúc để nhà thơ Chế Lan Viên viết nên những câu thơ đầy xúc động ấy.

Tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ

Tại sao Pác Bó? Tại sao Cao Bằng? Đó là những câu hỏi đã được giới quan sát, truyền thông đặt ra khi nhìn lại sự kiện 28/1/1941. Và theo phân tích của nhiều nhà nghiên cứu, việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn Pác Bó - Hà Quảng, chọn Cao Bằng để về nước hoạt động và xây dựng căn cứ địa cách mạng không phải tình cờ, ngẫu nhiên, mà là một sự tính toán kỹ lưỡng liên quan tới triển vọng của phong trào cách mạng cả nước. Lúc đầu, Người dự kiến về nước theo một hướng khác, nhưng qua nghiên cứu kỹ truyền thống lịch sử, phong trào cách mạng và địa thế của Cao Bằng, với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Người nhận thấy Cao Bằng là nơi hội tụ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước. “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên thì khi phát động đấu tranh vũ trang lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ” - từ tháng 10/1940, khi còn ở nước ngoài lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận định. Thời gian đầu, Người ở với đồng bào Pác Bó nhưng để đảm bảo bí mật, ngày 8/2/1941, Người chuyển vào hang Cốc Bó thuộc bản Pác Bó, nơi có đường sang biên giới, có thể rút lui an toàn khi bị lộ.

“Bác Hồ làm việc ở Pác bó” (1941). Tranh: Trịnh PhòngTừ tầm nhìn chiến lược ấy của vị lãnh tụ thiên tài, từ mùa xuân đặc biệt ấy, từ nơi đầu nguồn thiêng liêng, cách mạng Việt Nam đã có những bước chuyển nhanh chóng, kịp thời. Với việc Nguyễn Ái Quốc mở nhiều lớp huấn luyện về tổ chức, vận động, chuẩn bị thành lập mặt trận dân tộc thống nhất lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), về chương trình, điều lệ của Việt Minh, phong trào Việt Minh từ đó đã thâm nhập vào từng chòm xóm, bản làng. Các tổ chức cứu quốc phát triển nhanh, mạnh. Tháng 11/1941, Người chỉ đạo thành lập đội vũ trang cách mạng đầu tiên ở Cao Bằng. Tháng 12/1944, Người ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay).

Tuy nhiên, đánh dấu bước chuyển chiến lược của cách mạng Việt Nam là việc từ ngày 10-19/5/1941 10 - 19/5/1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại lán Khuổi Nặm. Hội nghị xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của cách mạng Đông Dương. Trên cơ sở phân tích tình hình quốc tế và Đông Dương; tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước, Hội nghị khẳng định: "Cần phải thay đổi chiến lược. Sự thay đổi về kinh tế, chính trị Đông Dương, sự thay đổi thái độ, lực lượng các giai cấp Đông Dương, buộc Đảng ta phải thay đổi chính sách cách mạng ở Đông Dương cho hợp với nguyện vọng chung của toàn thể nhân dân Đông Dương, cho hợp với tình hình thay đổi". Cũng từ Hội nghị, Người và Trung ương Đảng quyết định thay đổi chiến lược và sách lược cách mạng: Tập trung cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Vì thế, Hội nghị xác định rõ cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp "dân tộc giải phóng" và đó là cuộc "cách mạng dân tộc giải phóng” để nhằm "giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách của Pháp-Nhật". Hội nghị nhấn mạnh: "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được".

Theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam Độc lập đồng minh (gọi tắt và Việt Minh) “nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”. Đây được xem là một quyết sách đúng đắn và sáng tạo, một sự chuyển hướng chiến lược cách mạng kịp thời trong tư tưởng chính trị của Đảng ta.

Từ sau mùa Xuân đặc biệt 1941 ấy, đến nay đã tròn 80 năm.

80 năm ấy, cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Người và Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa đất nước tới hòa bình, thống nhất và giờ đây bước vào những mùa xuân mới của sự phát triển, hùng cường và thịnh vượng./.

Hà Anh

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận