60 năm: Chuyến bay lịch sử và khát vọng hòa bình!

60 năm trôi qua kể từ chuyến bay lịch sử ấy, thông điệp hòa bình mà Yuri Gagarin trao gửi vẫn là khát vọng bất diệt của nhân loại.

 

“Từ vũ trụ, tôi không còn nhìn thấy biên giới các quốc gia! Trái đất xanh một màu xanh vĩnh cửu” - đó là thông điệp đầu tiên nhà du hành vũ trụ Liên Xô Yuri Gagarin gửi về cho nhân loại ngày 12/4/1961, ngay sau khi anh trở thành người đầu tiên nhìn thấy Trái đất từ bên ngoài vũ trụ. 60 năm trôi qua kể từ chuyến bay lịch sử ấy, thông điệp hòa bình mà Yuri Gagarin trao gửi vẫn là khát vọng bất diệt của nhân loại.

“Như một giấc mơ”

“Tất cả xảy ra như trong một giấc mơ: Từ không gian bao la tôi đã quay về an toàn nơi tôi cất cánh lần đầu trên mặt đất” - trong cuốn “Đường vào vũ trụ”, Yurin Gagarin đã nhớ lại cảm xúc thật đặc biệt của mình khi thực hiện chuyến bay lịch sử. Thực sự, đó không chỉ “như một giấc mơ” với riêng Yurin Gagarin mà có lẽ với cả nhân loại. Bởi, để có thể phóng thành công tàu Vostok 1 chở theo nhà du hành Gagarin từ sân bay vũ trụ Baikonour ở Kazakhstan, khi đó còn là một phần của LB Xô Viết, vào không gian, bay trót lọt một vòng quanh Trái Đất chỉ trong vòng 108 phút và tiếp đất an toàn, là cả một nỗ lực phi thường, không chỉ của một tập thể đơn lẻ, mà còn là nỗ lực dày công, quyết tâm bằng mọi giá của cả đất nước trong một dự án “chạy đua không gian” mang tầm bí mật quốc gia.

Hình ảnh nhà du hành vũ trụ Liên Xô Yuri Gagarin tại bảo tàng của doanh nghiệp tên lửa-vũ trụ hàng đầu Nga RSC Energia ở Mátxcơva, ngày 17.3.2021. (Ảnh: AFP)Cũng bởi tính chất “bí mật quốc gia” mà cho tới nay, khi sự kiện “Gagarin bay vào vũ trụ” đã trôi qua tới 6 thập kỷ, nước Nga và thế giới cũng đã trải qua nhiều biến thiên, đổi khác, nhưng nhiều chi tiết cụ thể, rành rẽ về quá trình hiện thực hóa chuyến bay vẫn chưa hoàn toàn được công bố. Tuy nhiên, một phần sự thực về chuyến bay, cũng đã được hé lộ qua nhiều lời kể, chia sẻ.

Cách đây 10 năm, nhân kỷ niệm “50 năm ngày con người lần đầu tiên bay vào vũ trụ”, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam, ngài Andrey G. Kovtun từng hé lộ: Việc con tàu vũ trụ "Phương Đông" (Vostok 1) đưa con người bay lên quỹ đạo Trái Đất đã hiện thực hóa những ý tưởng do hai nhà khoa học vĩ đại của Liên Xô là F.A.Tsander và K.E.Tsionkovsky đặt nền móng, và sau đó được nhà thiết kế chế tạo thiên tài Liên Xô Sergei P.Korolev phát triển thêm. Tuy nhiên, điều rất lạ là, dù đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thiết kế nên con tàu vũ trụ "Phương Đông" nhưng tên tuổi của nhà khoa học Sergei Korolev lại không được chú ý bằng Yurin Gagarin.

Gagarin năm 1964. (Ảnh: TL)Cũng ít ai biết rằng đảm nhiệm một trọng trách quan trọng là vậy của chuyến bay lịch sử nhưng Yurin Gagarin được chính phủ Liên Xô lựa chọn chỉ 4 ngày trước khi tàu "Phương Đông" được phóng. Trước đó, trong số 3.500 tình nguyện ứng cử làm “phi công để nắm bắt kỹ thuật mới” (tức điều khiển tàu Vostok 1- PV), với những đòi hỏi bắt buộc: Cao không quá 1,65m, cân nặng không quá 68kg, chỉ có 20 người được chọn, trong đó có Yurin Gagarin. 20 người trải qua một thời gian luyện tập khắc nghiệt cùng nhiều vòng tuyển chọn nghiêm ngặt, Yurin Gagarin mới là cái tên được lựa chọn cuối cùng. Chuyện kể rằng, ý thức rất rõ rằng không thể chắc chuyến bay có thành công trọn vẹn hay không, một ngày trước khi bay, Yurin Gagarin đã viết dành cho hai cô con gái cùng người vợ Valentina Gagarina một bức thư tiễn biệt đề phòng trường hợp ông tử nạn nhưng trong đó chỉ có an ủi và niềm tin. "Nếu có chuyện gì xảy ra, anh mong em đừng quá đau buồn. Vì cuộc sống sẽ diễn ra như thế" - Yurin Gagarin viết. Câu nói đầy sự dõng dạc, bản lĩnh của Yurin Gagarin ngày 12/4 ấy:  "Poekhali - Đi thôi!" đã trở thành câu khẩu hiệu mang tính biểu tượng với người dân Nga trong suốt những năm về sau.

Tài năng hiếm có, bản lĩnh hơn người cùng sự may mắn đã giúp chàng trai sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo trở thành người lĩnh sứ mệnh lịch sử.

Sau những dày công chuẩn bị, những hồi hộp, bồn chồn đến khôn cùng, 9 giờ 7 phút (giờ Moskva) ngày 12/4/1961, tàu vũ trụ "Phương Đông" mang theo nhà du hành vũ trụ Yurin Gagarin xuất phát. 10 phút sau, tàu đi vào quỹ đạo, với tốc độ 18.000 dặm một giờ. Sau khi bay 1 vòng quanh Trái Đất hết 108 phút, tàu vũ trụ “Phương Đông” đã hạ cánh an toàn xuống một cánh đồng bên bờ sông Vonga. Có một câu chuyện vui lan truyền rằng khi Yurin Gagarin vừa đáp xuống đất, những người nông dân nơi đây đã tưởng ông là… một điệp viên nước ngoài đến nỗi Gagarin phải liên tục giải thích: “Không, con là một người Xô Viết!".

“Là một người Xô Viết” - câu nói ấy cũng đánh dấu niềm tự hào chinh phục vũ trụ của Liên Xô và của cả nhân loại. Bởi cú “chạm chân lên vũ trụ” ngày ấy đã đánh dấu một giấc mơ lớn của nhân loại trở thành hiện thực: con người có mặt trên vũ trụ. Quan trọng hơn nữa, nói như nhà sử học Nga Alexander Zheleznyakov, việc Yurin Gagarin và con tàu vũ trụ "Phương Đông" lần đầu hiện diện trên vũ trụ đã giúp nhân loại có thêm một nhận thức vĩ đại rằng: con người có thể khám phá một thế giới khác bên ngoài vũ trụ bao la.

Giờ đây, ngày 12/4 trở thành một ngày lễ được tổ chức hằng năm ở Nga với tên gọi Ngày Vũ trụ. Năm 1968, ngày này đã được gọi là Ngày Hàng không và Vũ trụ thế giới. Năm 2011, trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày Gagarin bay vào vũ trụ, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết chính thức công bố ngày 12/4 là Ngày Quốc tế chuyến bay có người lái vào vũ trụ.

Người dân Nga háo hức đọc báo, đón nhận thông tin chuyến bay lịch sử. (Ảnh: Yury Somov/Sputnik)Bản thân cái tên Yurin Gagarin cũng đã trở thành một huyền thoại. Điều đáng tiếc là chỉ 7 năm sau chuyến bay đi vào lịch sử nhân loại, ngày 27/3/1968, Gagarin đã hy sinh trong một chuyến bay thử nghiệm ở tuổi 34.

7 năm sau chuyến bay đi vào lịch sử nhân loại, ngày 27/3/1968, Gagarin đã hy sinh trong một chuyến bay thử nghiệm, ở tuổi 34. Sự ra đi của vị Anh hùng Liên Xô cho tới nay vẫn được cho là nhuốm màu bí ẩn. Năm 2011, 50 năm sau ngày Gagarin bay vào vũ trụ, Nga công bố hơn 700 trang tài liệu về Gagarin, trong đó tiết lộ rằng, thời tiết trong ngày 27/3/1968 rất phức tạp và động tác bổ nhào mà Gagarin hoặc phi công bay phụ thực hiện đã đưa máy bay vào tình thế nguy hiểm, tuy nhiên, tiết lộ này dường như vẫn chưa đủ sức thuyết phục.

“Cuộc chiến” không gian và khát vọng hòa bình

Nhìn vào diễn biến công cuộc chinh phục không gian của nhân loại 6 thập kỷ qua, thấy rõ, thành công của chuyến bay ngày 12/4/1961 không chỉ là niềm tự hào của Liên bang Xô viết khi đó, mà còn là bước đột phá trong quá trình chinh phục không gian của nhân loại, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên con người nghiên cứu khoa học ngay trong vũ trụ, kỷ nguyên chinh phục vũ trụ. Hàng loạt những công cuộc chinh phục vũ trụ đã được thực hiện: Ngày 5/5/1961, Alan Shepard trở thành người Mỹ đầu tiên bay vào không gian trong chuyến bay kéo dài 15 phút và 28 giây; Ngày 16/6/1963, Valentina Tereshkova người Liên Xô trở thành nhà nữ du hành vũ trụ đầu tiên trong lịch sử thám hiểm vũ trụ của loài người; Ngày 20/7/1969, Neil Amstrong cùng tàu Apollo 11 đặt những bước chân đầu tiên lên Mặt Trăng; Ngày 25/4/1990, kính thiên văn Hubble được đưa lên quỹ đạo; Ngày 20/11/1998, bộ phận đầu tiên của trạm vũ trụ quốc tế (ISS) được phóng lên quỹ đạo và giờ đây, trên Trạm Vũ trụ Quốc tế thường xuyên có phi hành đoàn quốc tế làm việc. Năm 2011, đã có những vị khách du lịch đầu tiên lên vũ trụ…

Không có những khẳng định chính thức, nhưng chẳng mấy ai lạ về cái gọi là “cuộc chiến không gian” giữa các cường quốc, trong đó, Liên Xô (Nga) và Mỹ là những “tay chơi” chủ đạo. Suốt 60 năm qua, Nga vẫn khẳng định vị thế hàng đầu trong lĩnh vực khám phá vũ trụ. Tuy nhiên, Nga được coi là “mất thế độc quyền” trong việc thực hiện các vụ phóng đưa người lên ISS khi năm 2020, Công ty Space X của tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk phát triển và đưa vào sử dụng thành công các hệ thống tên lửa có thể tái sử dụng, đưa các nhà du hành NASA đáp thành công xuống ISS…

Nhưng dù là “cuộc chiến” giữa những “tay chơi” nào, vì mục đích nào, thì mong muốn lớn nhất của nhân loại, vẫn là khát vọng hòa bình, để thế giới này, như Yurin Gagarin gửi thông điệp từ 60 năm trước “Trái đất xanh một màu xanh vĩnh cửu”./.

Mới đây, nhân kỷ niệm 60 năm nhà du hành Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào không gian, ngày 9/4/2021 vừa qua, tàu vũ trụ Soyuz MS-18 của Nga đã thực hiện chuyến bay chở 3 phi hành gia gồm Oleg Novitsky và Pyotr Dubrov cùng phi hành gia Mark Vande Hei của NASA, cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonur tại Kazakhstan bay lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Tàu vũ trụ Soyuz MS-18 được đặt tên theo phi hành gia huyền thoại Gagarin và chân dung của ông đã được gắn bên ngoài tàu.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận