Toà thánh Vatican là trung tâm dành riêng cho đàn ông quyền lực trong dương gian cũng như âm thế. Vậy mà có những phụ nữ không phải là nhân vật lịch sử lại được an nghỉ ở thánh địa tôn linh bậc nhất ấy của Nhà thờ Thiên chúa giáo này.
Toà thánh Vatican là trung tâm quyền lực và tinh thần của Nhà thờ Thiên chúa giáo. Chỉ riêng điều này thôi đã hàm ý ở đó là thế giới của đàn ông, dành riêng cho đàn ông, trong dương gian cũng như âm thế. Không phải tất cả nhưng đại đa số các Giáo hoàng của Nhà thờ Thiên chúa giáo sau khi qua đời đều được chôn cất trong Toà thánh Vatican. Con số chính xác là 148. Vậy mà ở thánh địa tôn linh bậc nhất ấy của Nhà thờ Thiên chúa giáo lại là nơi yên nghỉ ngàn thu của bốn người phụ nữ. Họ đều không phải con cháu hay có họ hàng xa gần gì với các giáo hoàng. Họ cũng không phải là người tình của các giáo hoàng đương thời. Họ không nắm giữ bất cứ chức sắc gì trong bộ máy công quyền của Nhà thờ Thiên chúa giáo. Họ cũng không phải là những người tu hành của tôn giáo này. Người phụ nữ trong Toà thánh Vatican thường chỉ làm những công việc phục vụ và tạp vụ. Bốn người phụ nữ có mồ mả kia trong Toà thánh Vatican chẳng hề thuộc diện ấy. Và họ gần như không còn được nhân thế trên dương gian nhắc đến nữa. Điều kỳ bí nhất ở họ không phải là những biến cố trong cuộc đời họ mà là việc họ được mai táng trong Toà thánh Vatican sau khi qua đời.
Christina von Sweden
Người phụ nữ này sinh năm 1626 và mất năm 1689. Bà là con gái của Vua Thuỵ Điển Gustav Adolf, là Nữ hoàng của Thuỵ Điển từ 1632 đến 1654, lên ngôi báu từ khi còn là đứa trẻ. Bà từ bỏ đạo Tin lành và theo đạo Thiên chúa, thoái vị năm 1654. Thủa ấy là thời chia rẽ và phân tách Nhà thờ Thiên chúa giáo. Vì thế, việc Nữ hoàng Thuỵ Điển từ bỏ đạo Tin lành để theo đạo Thiên chúa được coi như "chiến lợi phẩm" của Toà thánh Vatican. Christina vì thế không còn chốn dung thân ở Thuỵ Điển và phải chạy trốn sang Roma, được chôn cất trong Toà thánh Vatican sau khi qua đời. Hậu thế cho rằng người phụ nữ này được mai táng ở nơi chỉ dành cho các vị giáo hoàng bởi được ghi công về việc đã chuyển đổi tín ngưỡng.
Charlotte von Lusigman-Savoyen
Người phụ nữ này còn có tên gọi khác là Carlotta của Síp, sinh năm 1444 và mất năm 1487. Charlotte lên ngôi ở Síp năm 14 tuổi sau khi người cha qua đời và trị vì từ năm 1458 đến 1463. Charlotte là người thừa kế chính đáng và hợp pháp của triều đình trên đảo Síp, nhưng lại không phải là đối thủ của người em cùng cha khác mẹ nên không bảo vệ được ngôi báu. Người anh em này cùng với một số đồng minh và cộng sự vây hãm Charlotte suốt 3 năm ở pháo đài Kyrenia và buộc Charlotte phải chạy trốn về Roma năm 1463. Giáo hoàng Sixtus IV. ủng hộ Charlotte và tìm mọi cách giúp Charlotte giành lại ngôi báu ở Síp nhưng không thành công. Trong thời gian lưu vong ở Roma, người phụ nữ này được đến 3 vị giáo hoàng trợ giúp mà lý do cụ thể là gì thì không thấy được sử sách ghi chép lại, nhưng chắc chắn phải có lý do rất đặc biệt. Tình ái chăng? Nhiều khả năng không phải vì những chuyện tình ái của các giáo hoàng thường không được giữ bí mật. Hơn nữa, Charlotte không phải là người phụ nữ không có chồng và người chồng thứ hai qua đời trước khi Charlotte mất 5 năm - vào thời điểm mà cả Charlotte lẫn các vị giáo hoàng đều đã từ bỏ tham vọng hay ý muốn khôi phục vương quyền cho Charlotte. Người phụ nữ này được chôn cất trong Toà thánh Vatican.
Mathilde von Canossa
Mathilde von Canossa được coi là một trong số những người phụ nữ quyền lực nhất và nổi tiếng nhất ở Italy. Người phụ nữ này được cho là sinh năm 1046 và mất năm 1115 ở Bondeno (Italy). Mathilde trị vì vùng lãnh thổ rộng lớn ở Toscana và Lombadei, đóng vai trò rất nổi bật ở Italy đương thời và giữa các phe cánh trong Nhà thờ Thiên chúa giáo. Tuy nhiên, nổi bật hơn cả là vai trò của người phụ nữ này trong cuộc tranh giành quyền lực giữa giáo hoàng Gregor và hoàng đế Đức - La mã Heinrich IV. Năm 1076, Giáo hoàng Gregor trục xuất hoàng đế Heinrich IV. ra khỏi Nhà thờ Thiên chúa giáo. Mathilde là người đã thành công với việc khuyên nhủ hoàng đế Heinrich IV. sám hối để được trở lại Nhà thờ Thiên chúa giáo. Năm 1077, Heinrich IV. nghe theo và đấy chính là nguồn gốc của điển tích "Đi về Canossa" với hàm ý chịu thua một cách nhục nhã và thảm hại. Giáo hoàng Gregor ân xá cho hoàng đế Heinrich IV. Nhưng sự hoà giải này kéo dài không được lâu. Chỉ mấy năm sau, hoàng đế Heinrich IV. phát động chiến tranh chống Nhà thờ La mã và Toà thánh Vatican. Mathilde đứng về phe cải cách Nhà thờ, bị thiệt hại nhiều bởi cuộc chiến tranh giữa hoàng đế Heinrich IV. và phe giáo hoàng Gregor, nhưng rồi dần khôi phục được gia sản và quyền lực. Mathilde mất năm 1115 và phải hơn 500 năm sau mới được chuyển về nơi an nghỉ cuối cùng cho đến nay trong Toà thánh Vatican. Giáo hoàng Urban VIII. là người đã quyết việc này để thực hiện ý tưởng về hình thành khu mộ cho "những người Italy nổi tiếng nhất". Ngôi mộ của Mathilde trong Toà thánh Vatican được xây đắp rất cầu kỳ với những hình tượng biểu hiện cho quyền uy của người phụ nữ này và câu chuyện "Đi về Canossa" kể trên.
Maria Clementina Stuart
Người phụ nữ này bị coi là "có số phận đau buồn nhất" nhưng "có ngôi mộ đẹp nhất”. Maria Clementina Stuart sinh năm 1702 và mất năm 1735 khi mới 33 tuổi. Người phụ nữ này là công chúa của hoàng tộc Ba Lan, kết hôn với đông cung thái tử Anh bị thất sủng James III. Cuộc hôn nhân này kết trái ở hai người con trai nhưng lại hoàn toàn thất bại đối với Maria. Thất vọng về gia đình và cuộc sống, bà chạy trốn vào sống trong tu viện và gia đình mất hai năm trời mới thuyết phục được bà trở lại đời thường. Khi đó, sức khoẻ của bà đã tồi tệ đến mức không còn có thể cứu vãn được nữa. Sau khi bà qua đời, Giáo hoàng Clemens XII. đã dành cho bà tang lễ với nghi thức trang trọng và quy mô mà người đương thời cho rằng còn hơn cả tang lễ giáo hoàng. Trong thông báo chính thức, Toà thánh Vatican dành những lời như sau về cái chết của Maria: "Con mắt của Nhà thờ Thiên chúa giáo khóc về cái chết này". Thi hài của Maria được chôn cất trong Toà thánh Vatican. Sử sách ghi lại gần như không có gì về công lao và đóng góp của người phụ nữ này cho Nhà thờ Thiên chúa giáo để có thể có được vinh dự lớn đến thế khi qua đời. Người đời sau tự an ủi mình trong giả thiết rằng cả bốn người phụ nữ này đều được các vị giáo hoàng đương nhiệm yêu quý, ngưỡng mộ và nể vì đến mức sủng ái. Sự thật như thế nào thì vẫn còn bí ẩn cho dù đã rất nhiều thế kỷ trôi qua. Chuyện thời cuộc và nhân tình thế thái của quá khứ lịch sử càng rắc rối và kỳ bí, càng khó hiểu và nhiều thuyết âm mưu thì những câu chuyện liên quan càng thêm thú vị. Những người phụ nữ không phải là những nhân vật lịch sử lại được an nghỉ ở một trong những tâm điểm của lịch sử. Cũng nhân chuyện này mà thiên hạ để ý đến một bí ẩn nữa trong lịch sử Toà thánh Vatican là ở quảng trường Peter trước toà thánh có dãy 140 bức tượng mà trong đó có 40 bức tượng phụ nữ. Đó là tượng của ai? Vì sao những bức tượng này lại được dựng cùng với những bức tượng đàn ông khác? Hiện chưa thấy ai có được câu trả lời./.