Làn sóng Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ: Khủng hoảng từ cảm giác an toàn sai lầm

Làn sóng Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ Ấn Độ không chỉ đặt hệ thống y tế của nước này vào tình trạng hỗn loạn mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

 

Ấn Độ đang phải đối phó với đợt dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại quốc gia này. Quy mô và mức độ khốc liệt của làn sóng lây nhiễm mới không chỉ đặt hệ thống y tế Ấn Độ vào tình trạng hỗn loạn mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế xã hội trong tương lai.

Một bệnh viện dã chiến cải tạo từ khu Tổ hợp thể thao Sarusajai ở Guwahati, bang Assam (nguồn: ANI)

Covid “tăng tốc” tàn phá

Ấn Độ đang trải qua chuỗi hơn 40 ngày liên tiếp có số ca Covid-19 mới tăng và vượt mọi kỷ lục đã từng được thiết lập. Trong đợt dịch đầu tiên vào năm 2020, số lượng ca dương tính trong cao nhất trong ngày là hơn 97.000 người trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 10. Tuy nhiên, mốc 200.000 người nhiễm đã liên tục bị phá vỡ trong tuần qua, đỉnh điểm là vào ngày 19/4 với hơn 273.000 ca mắc mới. Hệ thống bệnh viện ở hầu hết các bang có dịch bùng phát mạnh đều đã quá tải. Các nguồn oxy y tế đã cạn, số giường bệnh điều trị hết. Thậm chí vaccine Covid-19 là thứ Ấn Độ có thể chủ động cũng khan hiếm.

Nhìn đồ thị về tình hình Covid-19 tại Ấn Độ các chuyên gia phải giật mình về gia tốc của các con số, chứng minh khả năng lây nhiễm siêu cao của virus SARS-CoV-2.

Ví dụ trong tuần đầu tiên của tháng 11 năm ngoái, khi Ấn Độ ghi nhận 47.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ và tổng số trường hợp đang điều trị là 500.000. Hệ thống y tế của nước này có thể thở phào nhẹ nhõm vì đó là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu hệ số lây nhiễm cơ bản (R0) - một thước đo mức độ lây lan của một bệnh truyền nhiễm đã giảm xuống dưới 1 (ở mức 0,88 vào ngày 6/11/2020). Trong một đại dịch, giá trị R0 nhỏ hơn 1 cho thấy virus cuối cùng sẽ ngừng lây lan vì nó không thể lây nhiễm cho những người xung quanh. Hệ số R0 của Ấn Độ vào tháng 11 đã báo trước sự sụt giảm số ca nhiễm mới. Và các ca đang điều trị vì thế bắt đầu giảm dần đều và đường cong của đồ thị dịch bệnh cũng lần đầu tiên đi xuống. Khi đó, nhiều người đã nghĩ tới việc dịch bệnh đã được kiểm soát, và đã tới lúc bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế. Điều này dường như là đúng trong suốt 2 tháng sau đó, khi thế giới nói về thành công của Ấn Độ trong việc kiểm chế số ca lây nhiễm mới.

Nhân viên y tế đang chăm sóc cho các bệnh nhân Covid-19 nặng tại một bệnh viện dã chiến ở thủ đô New Delhi (ANI)

Tuy nhiên, tình thế đã đảo chiều chỉ trong vài tuần. Ngày 11/2, “đường cong dịch bệnh” bắt đầu đã chuyển sang hướng khác. Số ca mắc mới mỗi ngày bắt đầu tăng lên hàng trăm. Vào đầu tháng Ba, mỗi ngày có thêm khoảng 1.500 trường hợp lây nhiễm mới được ghi nhận so với mức thấp nhất trong tháng Hai. Tâm điểm của làn sóng lây nhiễm khởi đầu từ bang Maharashtra với thủ phủ tài chính Mumbai. Bộ trưởng Y tế bang Maharashtra Rajesh Bhushan chính thức tuyên bố bang bắt đầu trải qua đợt Covid thứ hai. Ngay sau đó, nhiều bang khác cũng bắt đầu có các dấu hiệu đáng lo ngại. Từ ngày 14 - 22/3, số ca mắc Covid ở Ấn Độ đã tăng 150%. Nước này xác nhận 130.000 trường hợp mới chỉ trong 3 ngày và con số hằng ngày là 47.009 vào ngày 21/3 là mức cao nhất năm 2021. Hệ số lây nhiễm cơ bản là 1,32 - mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Tỷ lệ dương tính cũng đang tăng lên, từ 1,6% trong tổng số mẫu xét nghiệm vào tháng 2 lên 5% vào ngày 22/3. Tỷ lệ dương tính ở 13 bang cao hơn mức cảnh báo của WHO là dưới 5%. Đặc biệt, tỷ lệ này ở Maharashtra là 13,6% và ở Kerala là 8,7%.

Đầu tháng 4, Ấn Độ chỉ mất 10 ngày để số ca mắc Covid tăng từ 12 lên 13 triệu, và 6 ngày nữa có thêm 1 triệu ca mới, từ 13 triệu lên 14 triệu người. 

Điểm đáng chú ý của lần bùng phát này là việc virus SARS-CoV-2 ngày càng khó phát hiện hơn. Thậm chí các bệnh nhân xuất hiệu nhiều triệu chứng, phim chụp CT phổi ra các điểm đổi màu bất thường nhưng khi xét nghiệm RT-PCR vẫn cho ra kết quả âm tính. Theo các chuyên gia y tế, virus giờ đây đã biến đổi để di chuyển và khu trú sâu trong phổi khiến việc phát hiện trở nên khó khăn hơn, và khả năng lây nhiễm phức tạp hơn. Ngoài ra, virus cũng đã tấn công tới đối tượng thanh thiếu niên Ấn Độ, những người từng được cho là ít có khả năng mắc Covid-19. Thậm chí, các bệnh viện tại thủ đô New Delhi từng ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 ở trẻ sơ sinh mới chỉ 8 tháng tuổi.

Các điểm nóng dịch bệnh tại Ấn Độ hiện tập trung tại các bang như Maharashtra, Kerala, Punjab, Chattishgarth, Madhya Pradesh, New Delhi…

Người lao động nhập cư lên đường rời thủ đô New Delhi chiều 20/4 sau khi chính quyền công bố lệnh phong tỏa thành phố kéo dài 1 tuần (ANI)

Từ ngày 14 - 22/3, số ca mắc Covid-19 ở Ấn Độ đã tăng 150%. Đỉnh điểm là vào ngày 19/4 với hơn 273.000 ca mắc mới. Hệ thống bệnh viện ở các bang có dịch bùng phát mạnh đều đã quá tải. Các nguồn oxy y tế đã cạn, số giường bệnh điều trị hết. Thậm chí vaccine Covid-19 - điều Ấn Độ có thể chủ động cũng khan hiếm.

Vai trò của biến chủng mới?

Có hai lý do lớn đang được trích dẫn để giải thích sự gia tăng trong các trường hợp. Đầu tiên, các biến thể Covid từ Anh, Brazil và Nam Phi, được biết là có khả năng lây nhiễm cao hơn so với chủng virus trước đây ở Ấn Độ. Khả năng xuất hiện một biến thể mới bắt nguồn từ Ấn Độ cũng không bị loại trừ. Sau khi một biến thể ở Anh được phát hiện vào tháng Giêng, chính phủ Ấn Độ đã tăng cường giải trình tự bộ gen. Mười viện, bao gồm cả Trung tâm Sinh học Tế bào & Phân tử (CCMB) có trụ sở tại thành phố Hyderabad, được giao nhiệm vụ giải trình từ khoảng 5% tổng số mẫu ở Ấn Độ. Cho đến nay, khoảng 7.000 biến thể, với 24.000 đột biến, đã được tìm thấy ở Ấn Độ, nhưng các số liệu chính thức cho thấy không có đột biến nào trong số này làm tăng khả năng lây nhiễm hoặc tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Hồi cuối tháng 3, hơn 400 mẫu xét nghiệm được gửi từ Punjab đến Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia (NCDC) cho thấy 81% trong số đó có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể của virus ở Anh. Punjab thời điểm đó là bang có số ca bệnh đang điều trị cao thứ ba trong cả nước và tỷ lệ tử vong/ca bệnh (CFR) cao nhất.

Hệ thống y tế Ấn Độ đang phải gồng mình đối phó với đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 thứ hai. (nguồn: ANI)

Tuy nhiên, việc cho rằng các biến chúng mới làm tăng nguyên nhân lây lan vẫn đang gây tranh cãi. Một số chuyên gia y tế, bao gồm cả nhà virus học, Tiến sĩ Gagandeep Kang và Giám đốc Viện Nghiên cứu Y học Toàn Ấn (AIIMS), Tiến sĩ Randeep Guleria đều nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng năng lực giải trình tự bộ gen virus SARS-CoV-2 của Ấn Độ để có thể khẳng định điều này.

Phòng dịch vẫn là giải pháp duy nhất

Tuy nhiên, các chuyên gia vệ sinh dịch tễ tại Ấn Độ cho rằng, biện pháp cắt đứt sự lây truyền của virus hiện tại vẫn chỉ có thể là giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và không tụ tập đông người. Đây là điều bị “bỏ quên” vài tháng qua tại Ấn Độ. Sự gia tăng đột biến trong các trường hợp Covid bắt nguồn từ sự tự mãn của công chúng. Hàng loạt các sự kiện đông người như đám cưới, lễ hội, vận động chính trị được diễn ra ở hầu hết các địa phương mà không hề quan tâm tới phòng dịch. Đây phải chăng là sai lầm dẫn tới cuộc khủng hoảng này?

Tiêm chủng vaccine Covid-19 cùng việc thực hiện nghiêm các quy tắc phòng dịch bệnh là vũ khí duy nhất vào lúc này để giúp Ấn Độ chặn đứng chuỗi lây nhiễm hiện tại. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt vaccine Covid-19 cũng được phản ánh tại nhiều bang điểm nóng của Ấn Độ. (nguồn: ANI)

Bác sĩ Vivek Nangia, Trưởng khoa Nhịp tim và Hô hấp, Bệnh viện Bệnh viện Siêu chuyên khoa Max ở New Delhi cho rằng, sự chủ quan lên cao khi người dân cho rằng vaccine sẽ giải quyết dịch bệnh. “Vaccine cũng mang lại cho mọi người cảm giác an toàn sai lầm”, ông Vivek Nangia nói. Các chuyên gia y tế cảnh báo, corona virus có khả năng phục hồi và trở lại nếu các quy định người dân tiếp tục phòng dịch lỏng lẻo. “Nếu bạn không thực hiện các biện pháp phòng ngừa, nó sẽ tiếp tục lây nhiễm” - K. Srinath Reddy, Chủ tịch Tổ chức Y tế Công cộng Ấn Độ (PHFI) cảnh báo.

Chưa thể dự báo chính xác làn sóng Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ sẽ bắt đầu suy giảm khi nào. Nhưng có một điều chắc chắn, khả năng lây lan siêu tốc của nó sẽ gây ra hậu quả rất lớn cả về mặt y tế, kinh tế và xã hội của quốc gia Nam Á này. Nền kinh tế vốn chịu nhiều tổn thương sâu sắc vì dịch bệnh trong năm 2020 giờ nhận thêm một cú đâm trực diện. Hàng chục, hàng trăm triệu người sẽ mất đi cơ hội thoát nghèo sau cú sốc mang tên Covid-19 lần thứ hai./.

Phan Tùng/VOV-New Delhi

 

Bình luận

    Chưa có bình luận